|
Toàn cảnh Phiên họp thứ 15. Ảnh: QH |
Đó là nội dung được đề cập tại Báo cáo tóm tắt về công tác của các Tòa án từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác thời gian tới tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15/9.
Theo đó, báo cáo nêu rõ, bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: tỷ lệ giải quyết một số loại vụ việc chưa cao, tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số đơn vị còn khó khăn trong việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như bố trí, sắp xếp phòng hòa giải, đối thoại riêng, phòng làm việc của Hòa giải viên…
Các hạn chế, thiếu sót nêu trên là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường gây rất nhiều khó khăn cho Tòa án khi thực hiện nhiệm vụ; số lượng các loại vụ việc và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết có tính chất ngày càng phức tạp trong khi đó số lượng Thẩm phán, công chức chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến áp lực công việc rất lớn. Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản…
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, các giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới được Tòa án nhân dân tối cao xác định, gồm: Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức; kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án; xây dựng, hoàn thiện thể chế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.
Cùng với đó, Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị Quốc hội tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với thực tiễn. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các đạo luật về tố tụng theo hướng quy định thời gian giải quyết dài hơn để đảm bảo chất lượng, kết quả giải quyết, khắc phục những khó khăn cho Tòa án trong thực tiễn…/.