Tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính

Thứ tư, 13/03/2024 08:49
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) và thi hành án hành chính (THAHC), nhất là tại nơi có số lượng vụ việc khiếu kiện, vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài nhằm xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

Theo đánh giá của Tổng cục THADS, hình chấp hành pháp luật về TTHC và THAHC của các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về TTHC và THAHC tiếp tục được quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện. Công tác chỉ đạo triển khai việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC được thực hiện nghiêm túc, kịp thời từ trung ương đến địa phương.

Trong năm 2023, có 2.505 trường hợp, người đại diện hoặc người được ủy quyền tham gia phiên đối thoại; có 2.232 trường hợp, người đại diện hoặc người được ủy quyền tham gia phiên tòa. Số vụ việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án đúng thời hạn là 2.921 trường hợp. Kết quả này cho thấy phần lớn UBND các cấp đã chấp hành nghiêm túc việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án và có một số UBND đã chấp hành tương đối đầy đủ việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước Tòa án. Còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong, trong đó, có một số bản án, người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và có không ít bản án đã tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm. Công tác phối hợp trong THAHC tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật về TTHC và THAHC, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhất là Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trên địa bàn.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật TTHC; chỉ đạo rà soát và tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, chỉ đạo kiểm tra, xem xét và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về kiểm tra công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Ảnh: TL. 

Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và quản lý nhà nước về THAHC, trong đó phối hợp kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật TTHC, THAHC và nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về TTHC và THAHC.

Tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, tập trung tại các địa phương có số lượng vụ việc khiếu kiện, vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài nhằm xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Đối với các trường hợp chậm hoặc không chấp hành án hành chính sẽ kiến nghị làm rõ nguyên nhân và xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS chỉ đạo Hệ thống THADS thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo dõi THAHC; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác theo dõi THAHC; tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện theo dõi THAHC; xử lý theo quy định các đơn thư, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác THAHC; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, báo cáo, thống kê về THAHC./.

Mạnh thắng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực