Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp

Thứ năm, 31/10/2024 18:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là cần thiết nhưng nếu tăng đột ngột sẽ tạo ra gánh nặng lớn về mặt kinh tế, an sinh xã hội cho các vùng nguyên liệu thuốc lá ở các địa phương vốn gặp khó khăn trong chuyển đổi cây trồng, trong khi cây thuốc lá đã giúp mang lại đời sống ổn định và sung túc hơn, giúp các hộ nuôi con cái ăn học tốt hơn so với trước đây.
 Chuyển đổi từ cây thuốc lá sang cây trồng khác cần có thời gian để nông dân chuyển đổi dần.

Chuyển đổi cây trồng không phải là câu chuyện “ngày một ngày hai”

Tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất 2 phương án: giữ nguyên tỷ lệ thuế suất hiện hành 75%, và cộng 2.000 đồng/bao thuốc lá cho phương án 1, và 5.000 đồng/bao cho phương án 2, sau đó tiếp tục tăng hằng năm, hướng đến mục tiêu tăng thuế tuyệt đối tới 10.000 đồng/bao vào năm 2030.

Với dự thảo trên, việc tăng thuế đột ngột sẽ dẫn đến giá bán sản phẩm hợp pháp tăng lên nhiều lần khiến sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm sút mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn nông dân vùng trồng nguyên liệu.“Ta thấy rõ các tác động của việc tăng thuế đột ngột và không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tác động chính sách. Đối với ngành, 18 đơn vị trong hiệp hội sẽ phải thực hiện cơ cấu lại, đặc biệt là tác động rộng đến lực lượng bà con nông dân đang trồng cây thuốc lá ở các vùng biên giới”, ông Nguyễn Nam Giang, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nêu cụ thể hơn tăng thuế thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến người trồng thuốc lá. “Hàng nghìn người đang hưởng lợi từ việc trồng lá thuốc lá, họ có cuộc sống bền vững. Họ sẽ phải nghĩ đến chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì. Đây là một điều rất khó và mất một thời gian để hình thành lại hệ thống thu mua.”

Như đặc thù của huyện Krong Bong (Đắk Lắk) là một bên có Vườn quốc gia Chư Yang Sin và có một hệ thống sông ngòi chằng chịt nên diện tích đất để trồng cây công nghiệp dài ngày không khả thi. Đây là chia sẻ từ ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krong Bong, tỉnh Đắk Lắk. Ông Long nói thêm: “Huyện đã ban hành Nghị quyết 04 về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó cây thuốc lá rất phù hợp với vùng đất phù sa bồi ở các dải ven sông, đặc biệt là một số xã không có diện tích đất lớn. Khi mà cây thuốc lá đến với Krong Bong thì có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp lo kỹ thuật, các vật tư khác và bao tiêu đầu ra nên đem lại lợi nhuận cao và có chiều hướng phát triển ổn định, bền vững trên địa bàn, đảm bảo đời sống cho người dân. Từ việc liên kết này đã tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo có công ăn việc làm ổn định, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo ở các xã trồng cây thuốc lá có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua.”

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krong Bong, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ tỷ lệ hộ nghèo ở các xã có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua

Còn Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện ngoài cây thuốc lá, không có một loại cây nông nghiệp nào mà người nông dân được hỗ trợ cây giống, phân bón, bao tiêu và đảm bảo lợi nhuận.

Cần thời gian để thích nghi

Câu chuyện của nông dân ở huyện Krong Bong, Đắk Lắk là một minh chứng rõ nét. Từ chỉ có mức thu nhập đủ ăn, nay người nông dân đã có thu nhập ổn định sau vài năm tham gia vào vùng trồng nguyên liệu cho nhà máy thuốc lá.

Chị Nguyễn Thị Mai (Thôn 1, xã Khuê Ngọc Liền, huyện Krong Bong, tỉnh Đắk Lăk) chia sẻ: “Vùng chúng tôi đang ở thường xuyên xảy ra lũ lụt, nên lúc trước chúng tôi trồng đủ loại cây chỉ đủ ăn qua ngày. Từ khi trồng cây thuốc lá 2 vụ trong năm đã giúp giải quyết được công ăn việc làm cho cả hai vợ chồng tôi, đặc biệt trong những mùa rảnh rỗi. Công ty sẽ đầu tư hết cho chúng tôi về vật tư phân bón, giống, thuốc trừ sâu và kể cả chi phí vốn, vợ chồng tôi chỉ cần có đất và công lao động là tham gia trồng được cây thuốc lá rồi, mang lại thu nhập rất ổn định. Năm nay, vợ chồng tôi trồng 1,5 ha, sau khi trừ hết chi phí công cán, vẫn lãi được khoảng 140 triệu đồng.”

Còn tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây khi được các nhà đầu tư thu mua giá cả ổn định trong các năm vừa qua. “Như trong niên vụ 2023-2024, giá thu mua từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhiều người dân khác tại địa phương cũng có thêm công ăn việc làm khi tham gia các công đoạn phân loại và ép kiện cũng như các nguồn thu nhập phụ trợ kèm theo”, ông Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từng chia sẻ tại một hội thảo.

Ông Trường cho biết thêm, cây thuốc lá khẳng định thế mạnh đối với vùng đất nông nghiệp trong khu vực núi đá của huyện Chi Lăng, việc tăng cường đầu tư sản xuất thuốc lá vụ Đông Xuân bước đầu tạo sự thay đổi nhận thức người dân về việc sản xuất đúng khung thời vụ, mạnh dạn ứng dụng và nhân rộng các mô hình canh tác kỹ thuật, sản xuất theo quy hoạch, theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất đã được người dân quan tâm đầu tư. Diện tích đất kém chất lượng được khai thác đưa vào sản xuất cây thuốc lá có hiệu quả hơn.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong ngành thuốc lá cũng là một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, đảm bảo vấn đề đầu ra bền vững cho người nông dân ở vùng trồng.

Như vậy, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là cần thiết nhưng cần cân nhắc lộ trình tăng thuế để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, các hộ nông dân vùng trồng có thời gian chuyển đổi dần…/.

 

 

 

Hoàng Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực