Tham gia chính sách BHXH, BHYT, BHTN là đảm bảo an sinh xã hội đối với nhân dân
Từ tháng 01/2018 trở đi, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có hành vi gian lận, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.
Việc hình sự hóa hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, bảo vệ các quan hệ pháp luật và những quy định trong lĩnh vực lao động được nghiêm chỉnh thực thi.
Mức phạt cao nhất cho tội này là bị phạt tù lên đến 10 năm hoặc mức phạt tiền là 200 triệu đồng, tại Điều 214 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định.
Hành vi gian lận bảo hiểm y tế, mức phạt cao nhất cho tội này là bị phạt tù lên đến 10 năm hoặc mức phạt tiền là 200 triệu đồng, được thể hiện ở Điều 215 Bộ Luật Hình sự 2015.
Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, mức phạt cao nhất cho tội này là bị phạt tù lên đến 07 năm hoặc mức phạt tiền là 03 tỷ đồng, Điều 216 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định.
Tham gia chính sách BHXH, BHYT, BHTN là đảm bảo an sinh xã hội đối với nhân dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân lúc ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, khi nghỉ hưu và đi khám bệnh, chữa bệnh.
Việc đóng các loại BHXH, BHYT, BHTN là một yêu cầu đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như bảo đảm cho hệ thống an sinh xã hội. Do vậy, các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động cần phải tuân thủ nghiêm túc chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để không bị vướng vào vòng lao lý khi Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 2018./.