|
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. (Ảnh minh họa: Việt Linh) |
Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Điện Biên nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, có đường biên giới dài 455,572 km. Điện Biên là tỉnh duy nhất của Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia là nước CHND Trung Hoa và nước CHDCND Lào. Đây cũng là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Điện Biên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng: Du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Đặc biệt, với cụm di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác, phát triển du lịch. Đặc biệt, Điện Biên có một nền văn hóa đa dân tộc có ý nghĩa rất lớn đối với du lịch (tại Điện Biên có 19 dân tộc anh em chung sống). Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc, những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè của mỗi dân tộc, cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của vùng cao Tây Bắc... là những tiềm năng lợi thế trong phát triển du lịch nhân văn rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là du khách quốc tế. Bên cạnh các tiềm năng du lịch trong nội tỉnh, với vị trí địa lý khá đặc biệt, Điện Biên có thể mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng và cả nước, đặc biệt là liên kết các tuyến du lịch quốc tế.
Thêm vào đó, Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên là 954.125,06 ha. Trong đó, đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp của Điện Biên chiếm khoảng hơn 75% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; đất chưa sử dụng của Điện Biên còn rất lớn được xác định là nguồn tài nguyên quý giá, một thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh diện tích đất chưa sử dụng lớn, với thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại nông, lâm sản hàng hóa có giá trị kinh tế như lúa gạo đặc sản ở cánh đồng Mường Thanh; ngô, đậu tương ở Tuần Giáo, chè tuyết shan ở Tủa Chùa, Pú Nhi - Điện Biên Đông, Mường Phăng - Điện Biên…
Ngoài ra, Điện Biên còn có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại…
Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Điện Biên hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
|
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Điện Biên có nhiều đổi thay, khởi sắc. (Ảnh: Xuân Tú) |
Phát huy truyền thống lịch sử, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh
Kế thừa truyền thống hào hùng, phát huy giá trị Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn hăng hái thi đua phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh có nhiều đổi thay, khởi sắc.
Theo đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, để có bước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phấn đấu đến năm 2045, Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; có giải pháp thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài đầu tư, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi khép kín; đầu tư khai thác năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời; phát triển du lịch dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Điện Biên tập trung triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị, quy hoạch nông thôn mới, đặc biệt là quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, làm cơ sở thu hút đầu tư. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, khai thác hiệu quả hoạt động Cảng hàng không Điện Biên tạo động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, với việc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đã rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Điện Biên với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương khác trong cả nước và quốc tế, góp phần thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, tạo động lực đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đến năm 2025, kỳ vọng Cảng sẽ góp phân giúp địa phương nâng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội thêm khoảng 15.000 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng và góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động.
Thời gian qua, để “mở đường” cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động… thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực. Thêm vào đó, tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư ở trong và ngoài tỉnh, chú trọng rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Cùng với đó là triển khai công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực của tỉnh... Điện Biên đã tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút các tập đoàn, công ty lớn hàng đầu đất nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thỏa thuận hợp tác và thực hiện các dự án đầu tư lớn...
Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức định kỳ gặp gỡ hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước; tập trung xây dựng, thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI để tiếp tục thu hút đầu tư, với kỳ vọng số dự án và tổng mức vốn đăng ký đầu tư năm sau cao hơn năm trước.
Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh đã đạt 6,83%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,33%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 38,25 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.732,2 USD/người/năm), đến năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng khu vực công nghiệp - xây dựng; dịch vụ, du lịch.
Kinh tế không ngừng phát triển, tỉnh chú trọng công tác xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội. 3 năm qua, có hơn 8.000 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xoá nhà tạm, sửa chữa nhà. An cư lạc nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 26,03%, bình quân giảm 4%/năm.
Theo thống kê mới nhất, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục chuyển biến tích cực. Trong đó, có một số kết quả nổi bật: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên 6 tháng đầu năm, đạt trên 7.150 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng 1,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt trên 1.370 tỷ đồng, tăng 5,9%; khu vực dịch vụ đạt trên 4.250 tỷ đồng, tăng trên 12%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt gần 740 tỷ đồng, giảm 7,6 % so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực xã hội, việc làm trong 6 tháng qua, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 6.240 lao động, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm trước; đào tạo nghề cho trên 4.400 người, đạt 52% kế hoạch. Các chỉ tiêu về phát triển giáo dục đào tạo năm 2023 - 2024 tiếp tục được duy trì và vượt kế hoạch năm, đã có 9/9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch...
70 năm qua, Điện Biên vinh dự và tự hào là mảnh đất ghi dấu mốc son chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ anh hùng, những thành tựu quan trọng đã đạt được trong 70 năm qua, với ý chí quyết tâm vững chắc, tin tưởng rằng Điện Biên sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức, từng bước xây dựng để tỉnh phát triển ngày càng giàu đẹp, góp phần cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 “Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước” theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị.
Phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 04 trục động lực - 03 vùng kinh tế - 04 cực tăng trưởng
Theo Quyết định 109/QĐ-TTg Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Điện Biên phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 04 trục động lực - 03 vùng kinh tế - 04 cực tăng trưởng.
Theo đó, tỉnh Điện Biên phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 04 trục động lực - 03 vùng kinh tế - 04 cực tăng trưởng:
04 trục động lực, gồm:
Trục kinh tế động lực theo quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, gắn với cảng hàng không Điện Biên: Là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng; là tuyến giao thông tạo sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc cũng như sang nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc. Trục kinh tế này là động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh mà trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến; tác động trực tiếp đến không gian phát triển của huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 12: Là trục kết nối giữa khu vực phía Bắc với khu vực phía Nam tỉnh và kết nối sang Lào thông qua cửa khẩu Huổi Puốc, cửa khẩu Tây Trang; tác động trực tiếp đến không gian phát triển của huyện Mường Chà, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Đây là tuyến giao thông cần được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới để phát huy lợi thế của Cảng hàng không Điện Biên và tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận.
Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 6: Là trục kết nối thị xã Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo và các tỉnh, thành phố phía Đông Nam (Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội); kết hợp với các tuyến đường tỉnh 139, đường tỉnh 146, đường tỉnh 149B tạo thành trục vành đai phía Đông của tỉnh liên kết các huyện, tăng cường giao lưu giữa khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh.
Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh: Là trục giao thông quan trọng góp phần phát triển du lịch và thương mại dịch vụ, kết nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và cửa khẩu A Pa Chải sang Trung Quốc; có tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị trấn huyện Nậm Pồ, thị trấn Mường Nhé và thị trấn Mường Chà.
03 vùng kinh tế, gồm:
Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực): Bao gồm thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông; là vùng động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ…
Vùng kinh tế II: Bao gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng; là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch.
Vùng kinh tế III: Bao gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay; là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch thương mại dịch vụ.
04 cực tăng trưởng, gồm:
Thành phố Điện Biên Phủ: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, thương mại - dịch vụ, du lịch, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa nghệ thuật của tỉnh; là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc. Tập trung xây dựng hình ảnh đô thị lịch sử - văn hóa và du lịch; phát triển mạnh vận tải trung chuyển quốc tế gắn với cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc và trục kinh tế Viêng Chăn - Điện Biên Phủ - Côn Minh.
Thị xã Mường Lay: Phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái của vùng phía Bắc tỉnh; xây dựng các cơ sở phục vụ du lịch, tạo các sản phẩm du lịch đa dạng gắn với văn hóa bản địa.
Thị trấn Tuần Giáo: Phát triển thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Đông của tỉnh; thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp để thúc đẩy kinh tế của thị trấn và vùng huyện Tuần Giáo.
Thị trấn Mường Nhé: Là trung tâm vùng kinh tế III, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái và đặc biệt là thương mại - dịch vụ qua cửa khẩu biên giới.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 12,7%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 42,4% (trong đó công nghiệp chiếm khoảng 12,1%).
Đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190,0 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.
|