Bàn về văn hoá vô sản

Thứ sáu, 27/04/2012 14:11
Rõ ràng là khi đọc tờ Tin tức ngày 8 tháng Mười, người ta thấy tại đại hội "Pơ-rô-lê-cun", đồng chí Lu-na-tsác-ski đã phát biểu hoàn toàn ngược lại với những điều mà hôm qua chúng ta đã thoả thuận với đồng chí đó.

Nhất thiết là phải chuẩn bị thật gấp một dự án nghị quyết (của đại hội "Pơ-rô-lê-cun"), trình dự án đó lên Ban Chấp hành trung ương thông qua và đưa ra biểu quyết ngay tại kỳ họp này của "Pơ-rô-lê-cun". Cần phải nhân danh Ban Chấp hành trung ương đưa ngay dự án nghị quyết đó ra ngày hôm nay trước Bộ Dân uỷ Giáo dục và trước Đại hội "Pơ-rô-lê-cun", vì chính hôm nay, đại hội này kết thúc.

DỰ ÁN NGHỊ QUYẾT

1. Trong nước Cộng hoà xô-viết công nông, toàn bộ nền giáo dục chính trị nói chung, cũng như, đặc biệt hơn nữa, là trong lĩnh vực nghệ thuật, đều phải thấm nhuần tinh thần đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của nền chuyên chính vô sản, tức là nhằm lật đổ giai cấp tư sản, xoá bỏ các giai cấp, xoá bỏ mọi chế độ người bóc lột người.

2. Vì thế cho nên giai cấp vô sản, do đội tiên phong của mình tức là đảng cộng sản cũng như do tất cả các tổ chức vô sản nói chung, đại diện, phải đóng góp phần tích cực nhất và quan trọng nhất trong toàn bộ lĩnh vực giáo dục quốc dân.

3. Kinh nghiệm lịch sử hiện đại, và đặc biệt là kinh nghiệm của cuộc đấu tranh cách mạng hơn một nửa thế kỷ nay của giai cấp vô sản tất cả các nước trên thế giới, từ khi bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, đã chứng tỏ một cách không thể chối cãi được rằng thế giới quan mác-xít là biểu hiện duy nhất đúng của những lợi ích, của những quan điểm và của nền văn hoá của giai cấp vô sản cách mạng.

4. Do chỗ chủ nghĩa Mác không những đã không vứt bỏ những thành tựu hết sức vĩ đại của thời đại tư sản, mà trái lại, còn tiếp thu có phê phán tất cả những gì là quý báu trong tư tưởng và văn hoá của loài người từ hơn hai nghìn năm nay, nên chủ nghĩa Mác, về mặt là hệ tư tưởng của giai cấp vô sản cách mạng, đã có một tầm quan trọng lịch sử. Chỉ có lao động tiến hành trên cơ sở đó và theo hướng đó, được cổ vũ bằng kinh nghiệm của chuyên chính của giai cấp vô sản, là giai đoạn cuối cùng của cuộc đấu tranh của nó chống mọi sự bóc lột, mới có thể coi là sự phát triển của nền văn hoá thực sự vô sản.

5. Kiên trì lập trường nguyên tắc đó, Đại hội "Pơ-rô-lê-cun" toàn Nga kiên quyết bác bỏ, coi là sai lầm về mặt lý luận và có hại về mặt thực tiễn, mọi ý đồ tạo nên một nền văn hoá đặc biệt, tự giam mình trong các tổ chức riêng biệt, định ranh giới giữa hoạt động của Bộ Dân uỷ Giáo dục và hoạt động của "Pơ-rô-lê-cun" hoặc thiết lập "chế độ tự trị" của "Pơ-rô-lê-cun" trong nội bộ những cơ quan của Bộ Dân uỷ giáo dục, v.v... Trái hẳn lại, Đại hội trao cho tất cả các tổ chức của "Pơ-rô-lê-cun" nhiệm vụ tuyệt đối là phải hoàn toàn tự coi mình là những cơ quan phụ thuộc trong hệ thống những cơ quan của Bộ Dân uỷ Giáo dục và phải làm tròn nhiệm vụ của mình, coi là một bộ phận khăng khít của những nhiệm vụ cố hữu của nền chuyên chính vô sản, dưới sự lãnh đạo chung của chính quyền xô-viết (và đặc biệt là của Bộ Dân uỷ Giáo dục) và của Đảng Cộng sản Nga.

                                                                          *

                                                                        *   *

Đồng chí Lu-na-tsác-ski nói rằng ý kiến của đồng chí đã bị xuyên tạc. Như vậy, nghị quyết này lại càng cần thiết.

Ngày 8 tháng Mười 1920

V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, t.31, tr.383-385.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực