Trong lúc chúng ta bàn luận về văn hóa vô sản và quan hệ của văn hóa vô sản với văn hóa tư sản, thì những sự việc đã cho ta những số liệu chứng tỏ rằng ngay cả tình hình văn hóa tư sản ở nước ta cũng rất kém cỏi. Sự thật, không có gì đáng ngạc nhiên cả, quả là còn rất lâu chúng ta mới đạt đến một trình độ tiểu học cho toàn dân, và cứ so cả với thời đại Nga hoàng (1897) thì sự tiến bộ của chúng ta cũng còn quá chậm. Đấy là một sự cảnh cáo nghiêm khắc và một sự khiển trách đối với những ai đã và đang còn tiếp tục bay bổng trong cái thiên đường văn hóa vô sản. Những số liệu đó chứng tỏ rằng chúng ta còn phải làm bao nhiêu việc to lớn cấp thiết nữa mới đạt đến trình độ một nước văn minh nào đó ở Tây Âu được. Sau nữa, những số liệu đó còn chứng tỏ rằng muốn có thể nhờ vào những thành quả vô sản của chúng ta để thật sự đạt đến một trình độ văn hóa dù chỉ cao hơn một chút, thì chúng ta cũng còn phải hoàn thành bao nhiêu công tác to lớn nữa.
Chúng ta không nên chỉ biết có cái sự thật không thể chối cãi được, nhưng quá ư lý thuyết ấy. Đến khi xét lại dự toán ngân sách quý sắp tới, chúng ta cũng phải ra sức làm việc cả về phương diện thực tiễn nữa. Cố nhiên, cái cần phải giảm bớt, trước hết, không phải là những khoản chi của Bộ dân ủy Giáo dục quốc dân, mà là những khoản chi của các bộ khác, để cấp những số tiền bớt ra đó cho năm nay, chúng ra đã được bảo đảm tương đối về lúa mì, thì không nên bớt xén khẩu phần bánh mì của giáo viên nữa.
Hiện nay, công tác đang tiến hành về mặt giáo dục quốc dân, nói chung không thể cho là nhỏ hẹp được. Người ta đã làm rất nhiều để thức tỉnh giáo giới cũ, kêu gọi họ nhận nhiệm vụ mới, làm cho họ thiết tha đến việc đặt vấn đề sư phạm một cách mới mẻ, thiết tha đến các vấn đề như vấn đề tôn giáo.
Nhưng chúng ta lại bỏ qua mất việc chủ yếu. Chúng ra không quan tâm hoặc quan tâm rất không đầy đủ đến việc nâng cao địa vị người giáo viên lên đến một trình độ cần thiết, không như thế thì không thể nói đến văn hóa nào cả, - dù là văn hóa vô sản hay cả văn hóa tư sản đi nữa. Đây chỉ là nói về cái tình trạng thiếu văn hóa có tính chất nửa Á châu mà cho mãi đến nay chúng ta vẫn chưa thoát khỏi và không thể nào thoát khỏi được, nếu không cố gắng đến nơi đến chốn; tuy rằng chúng ta có khả năng thoát khỏi tình trạng đó, vì không có một nơi nào trên thế giới mà quần chúng nhân dân lại tha thiết đến nền văn hóa chân chính như ở nước ta; không có một nơi nào mà các vấn đề đó lại được đặt ra một cách sâu sắc và có hệ thống bằng ở nước ta; không có một nước nào trên thế giới, mà chính quyền lại nằm trong tay giai cấp công nhân, và giai cấp này phần lớn lại hoàn toàn thấy rõ rằng mình còn thiếu sót – tôi sẽ không nói là về mặt văn hóa, mà về mặt giáo dục sơ đẳng; không có một nơi nào mà giai cấp công nhân lại sẵn sàng chịu đựng và đang chịu đựng những hy sinh to lớn như thế để cải thiện đời sống của mình trong địa hạt đó.
Điều chỉnh lại ngân sách Nhà nước để làm sao thỏa mãn được trước hết những nhu cầu của nền tiểu học, thì chúng ta hãy còn làm được quá ít và vô cùng ít ỏi. Thậm chí ngay trong phạm vi Bộ dân ủy Giáo dục quốc dân, cũng rất nhiều khi người ta thấy có quá nhiều nhân viên trong một cơ quan như Nhà xuất bản Quốc gia, - cơ quan này không mảy may chú ý rằng Nhà nước, trước tiên phải lo lắng đến, không phải là công việc xuất bản, mà là người đọc; lo lắng sao cho số người biết đọc tăng lên, để cho công việc xuất bản có được một quy mô chính trị rộng lớn hơn trong nước Nga tương lai. Theo tập quán cũ (và hủ lậu) của chúng ta, thì chúng ta lại dành nhiều thời gian và cố gắng cho các vấn đề kỹ thuật, như vấn đề nhà bán sách, như là cho vấn đề chính trị chung của nền giáo dục quốc dân.
Nếu ta lấy Nha Giáo dục chuyên nghiệp trung ương mà nói, thì tôi tin chắc rằng ngay cả ở đó nữa, người ta cũng có thể thấy những cái thừa vô ích, những cái này to phình ra vì lợi ích hành chính hẹp hòi, và không dựa theo những nhu cầu của một nền giáo dục quốc dân được quan niệm một cách rộng rãi. Còn xa mới có thể nói được rằng, tất cả những việc đang tiến hành ở Nha Giáo dục chuyên nghiệp trung ương là đã xuất phát từ ý muốn chính đáng nâng cao trước tiên nền giáo dục thanh niên nhà máy và làm cho nền giáo dục đó có một phương hướng thực tiễn. Nếu người ta xét kỹ danh sách biên chế của cơ quan đó, thì có nhiều phần tử quá thừa và hư vị, cần phải loại bỏ đi. Trong một Nhà nước công nông, muốn phát triển giáo dục nhân dân, thì người ta có thể và phải tỏ ra vô cùng tiết kiệm bằng cách triệt bỏ nhiều cơ quan, - có tính chất một trò tiêu khiển nửa quý phái, - hay những cơ quan mà hiện nay chúng ta có thể và còn lâu nữa chúng ta vẫn có thể chưa cần đến, xét tình trạng giáo dục như các bản thống kê đã cho ta thấy rõ.
Chúng ta phải làm cho giáo viên ở nước ra có một địa vị mà trước đây họ chưa từng có, hiện nay vẫn không có và không thể có được trong xã hội tư sản. Đấy chính là một sự thật không cần minh chứng nữa. Chúng ta phải tiến tới tình hình ấy bằng cách cố gắng nâng cao một cách có hệ thống, kiên nhẫn và liên tục trình độ tinh thần của giáo viên, chuẩn bị cho họ về mọi mặt để họ đảm đương được sứ mệnh cao cả của mình, nhưng việc chủ yếu vẫn là và luôn luôn là phải cải thiện đời sống vật chất của họ.
Cần phải tăng cường một cách có hệ thống công tác tổ chức trong hàng ngũ giáo viên để biến họ, từ những người cho đến nay vẫn ủng hộ chế độ tư sản trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa không trừ một nước nào cả, thành những người ủng hộ chế độ xô-viết, để thông qua họ mà có thể tách giai cấp nông dân ra khỏi sự liên minh với giai cấp tư sản và đi đến liên minh với giai cấp vô sản.
Ngày 2 tháng Giêng 1923 |
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, t.33, tr.681-684. |