Trích bài: Thà ít mà tốt

Thứ hai, 09/07/2012 10:16

Đối với việc cải tiến bộ máy nhà nước của ta, theo ý tôi, thì Bộ dân uỷ Kiểm tra công nông không nên vội vàng, cũng không nên chạy theo số lượng. Từ trước đến nay, chúng ta có quá ít thì giờ để nghĩ đến và chú trọng đến chất lượng của bộ máy Nhà nước của ta, cho nên quan tâm đến việc chỉnh đốn bộ máy đó một cách thật đặc biệt chu đáo, quan tâm đến việc tập trung cho Bộ dân uỷ Kiểm tra công nông một số nhân viên có chất lượng cao, nghĩa là không kém gì những nhân viên kiểu mẫu giỏi nhất ở phương Tây, - quan tâm như thế là chính đáng. Dĩ nhiên, đối với một nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa, thì yêu cầu ấy cũng vẫn còn là quá thấp. Nhưng năm năm đầu tiên đã gieo vào đầu óc chúng ta sự không tín nhiệm và sự hoài nghi. Chúng ta vẫn thường không tự chủ được, dễ có thái độ như vậy đối với những người hay nghị luận quá nhiều và quá khinh suất chẳng hạn như về vấn đề “văn hoá vô sản"; để bắt đầu, chúng ta chỉ cần biết vứt bỏ những điển hình tiêu biểu đặc biệt của các thứ văn hoá tiền tư sản, nghĩa là thứ văn hoá quan liêu hay văn hoá phong kiến, v.v.. Về vấn đề văn hoá, hấp tấp và phóng túng quá là hết sức có hại. Những nhà văn học và đảng viên cộng sản trẻ tuổi của ta phải ghi nhớ kỹ điều đó.

Và bây giờ, về vấn đề bộ máy Nhà nước, chúng ta phải rút ra trong kinh nghiệm đã qua, câu kết luận này: nên từ từ một chút là hơn.

Tình hình bộ máy Nhà nước của ta đã rất tồi tệ, nếu không muốn nói là đáng ghét, đến nỗi trước hết chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào; và đừng quên rằng những khuyết điểm đó bắt nguồn từ quá khứ; quá khứ này tuy đã bị lật đổ, nhưng chưa bị tiêu diệt; đây chưa phải một giai đoạn văn hoá đã hết thời từ lâu. Tôi sở dĩ đặt ra đây chính ngay vấn đề văn hoá, vì về mặt này, chỉ có cái gì đã ăn sâu vào đời sống văn hoá, vào phong tục, tập quán, mới có thể coi là đã được thực hiện. Thế mà, ở ta, những cái gì tốt trong tổ chức xã hội của ta đều được lĩnh hội một cách vội vàng, quá ít được nghiền ngẫm, hiểu biết, thông cảm, kiểm tra, thử thách, xác định bằng kinh nghiệm, củng cố, v.v.. Trong thời đại cách mạng, và trước một sự phát triển nhanh chóng phi thường đã đưa chúng ta, trong năm năm, từ chế độ Nga hoàng đến chế độ xô-viết, thì cố nhiên là không thể nào khác thế được.

Cần phải tỉnh ngộ. Phải có sâu sắc một thái độ bất tín nhiệm bổ ích đối với lối cứ khinh suất muốn vượt nhanh bừa lên, đối với mọi lối huênh hoang, v.v., phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố từng giờ, quyết định từng phút, để rồi từng giây chúng ta đem ra chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó. Điều tai hại nhất, ở đây, là hấp tấp vội vàng. Điều tai hại nhất là tưởng rằng chúng ta biết được một tý như thế là đủ rồi, hay lại còn tưởng rằng chúng ta đã có được một số yếu tố khá lớn để xây dựng một bộ máy thật sự tối tân, và thật sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy xã hội chủ nghĩa, bộ máy xô-viết, v.v..

Không, bộ máy ấy, có thể nói là chúng ta chưa có, và thậm chí những yếu tố cho phép chúng ta xây dựng được bộ máy ấy, thì chúng ta cũng có ít ỏi đến nực cười. Và không được quên rằng muốn xây dựng được bộ máy ấy, chúng ta không nên quản ngại thời giờ, rằng việc đó đòi hỏi nhiều, nhiều, rất nhiều năm tháng.

Chúng ta hiện có những yếu tố nào để xây dựng bộ máy ấy? Chỉ có hai mà thôi. Một là, công nhân phấn khởi vì cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Họ chưa có đầy đủ học thức. Họ rất muốn đem lại cho chúng ta một bộ máy tốt hơn. Nhưng họ không biết làm như thế nào. Họ không thể làm được việc đó. Họ không được học tập mấy, họ không có trình độ văn hoá cần thiết. Thế mà để làm việc ấy, chính lại cần phải có văn hoá. Về mặt này, người ta không thể giải quyết được bằng một hành động táo bạo hay là một cuộc xung phong đột kích, với sự gan dạ hay nghị lực, hoặc nói chung, với bất cứ một trong những đức tính tốt đẹp nhất nào của loài người. Hai là, chúng ta có những người có kiến thức, có học thức, được huấn luyện, nhưng nếu so với tất cả các nước khác, thì ít ỏi đến nực cười.

Và cũng không nên quên rằng chúng ta vẫn còn cứ hay muốn thay thế (hoặc vẫn còn tưởng tượng rằng có thể thay thế) kiến thức ấy bằng sự sốt sắng, sự hấp tấp, vội vàng, v. v..

Muốn đổi mới bộ máy Nhà nước của chúng ta, thì phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là, chúng ta phải học tập; hai là, chúng ta phải học tập nữa; ba là, chúng ta phải học tập mãi. Sau nữa, phải làm sao cho sự học tập ở nước ta không còn là một môn vô dụng hoặc một lời nói theo mốt nữa (điều này, phải thú thực là thường hay xảy đến với chúng ta). Tóm lại, chúng ta phải đòi hỏi một cái gì khác hẳn cái mà giai cấp tư sản Tây Âu đòi hỏi, tức là phải đòi hỏi một cái gì xứng đáng và thích hợp với một nước muốn trở thành một nước xã hội chủ nghĩa.

Ngày 2 tháng Ba 1923

V.I. Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970, t.33, tr.717-720.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực