Trích: Sơ thảo bài “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết”
Thứ năm, 05/01/2012 11:39 (GMT+7)
Nhiệm vụ quản lý quốc gia hiện nay đặt ra trước mắt chính quyền Xô-viết còn có một đặc điểm nữa là trong sự quản lý đó – có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử cận đại của các dân tộc văn minh – cái mà hiện nay có ý nghĩa trọng đại hơn cả thì không phải là chính trị, mà là kinh tế. Thường thì danh từ “quản lý” chính là gắn liền trước hết với hoạt động chủ yếu hay thậm chí thuần túy có tính chất chính trị. Trong khi đó, chính những cơ sở, chính thực chất của chính quyền Xô-viết, cũng như chính thực chất của bước quá độ từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội xã hội chủ nghĩa, lại là ở chỗ các nhiệm vụ chính trị giữ một địa vị phụ thuộc so với các nhiệm vụ kinh tế. Và hiện nay, nhất là sau kinh nghiệm thực tiễn của hơn bốn tháng tồn tại của chính quyền Xô-viết ở Nga, thì chúng ta phải hoàn toàn thấy rõ rằng nhiệm vụ quản lý quốc gia hiện nay trước hết và trên hết dược quy lại thành nhiệm vụ thuần túy kinh tế là hàn gắn những vết thương của đất nước do chiến tranh đã gây ra, khôi phục lại các lực lượng sản xuất, đưa vào nền nếp việc kiểm kê và kiểm soát, sản xuất và phân phối sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, - nói tóm lại, nhiệm vụ đó được quy thành nhiệm vụ tổ chức lại nền kinh tế.
Có thể nói rằng nhiệm vụ đó chia thành hai mục chủ yếu: 1) kiểm kê và kiếm soát sản xuất và phân phối sản phẩm theo những hình thức rộng rãi nhất, phổ biến nhất và tổng hợp nhất của sự kiểm kê và kiểm soát đó và 2) nâng cao năng suất lao động. Bất cứ một tập thế nào hoặc một quốc gia nào đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng có thể giải quyết được những nhiệm vụ đó, chỉ với điều kiện là những tiền đề chủ yếu về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của việc đó đã được chủ nghĩa tư bản tạo ra với một mức độ đầy đủ. Không có nền đại sản xuất cơ khí, không có mạng lưới đường sắt, giao thông bưu điện và điện báo tương đối phát triển, không có mạng lưới các cơ quan giáo dục quốc dân tương đối phát triển, thì nhất định không thể nào giải quyết hai nhiệm vụ đó một cách có hệ thống và trên quy mô toàn dân được. Nước Nga đang ở trong tình hình đã có một loạt tiền đề sơ đẳng của bước qua độ đó. Mặt khác, trong nước chúng ta cũng đang còn thiếu cả một loạt những tiền đề như thế, nhưng có thể mượn một cách tương đối dễ từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước lân cận, tiên tiến hơn nhiều, từ lâu đã được lịch sử và sự giao dịch quốc tế đặt trong một mối quan hệ chặt chẽ với nước Nga.
Do Lê-nin đọc để ghi trong khoảng ngày 23 và 28 tháng Ba năm 1918. In lần đầu tiên năm 1962, trong Toàn tập Lê-nin, xuất bản lần thứ 5, t.36 |
V.I.Lênin, Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 5, t.36, tr.130 - 131 |