Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng phải linh hoạt, phù hợp thực tế

Thứ ba, 21/10/2014 19:16

(ĐCSVN) - Định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ phải thực hiện tích hợp mạnh theo lĩnh vực, liên môn ở các cấp học dưới và phân hóa sâu ở cấp trung học phổ thông theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn và áp dụng phương thức tích lũy tín chỉ.

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã chỉ rõ như vậy.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: VA


Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn tại các cơ sở giáo dục của nhiều địa phương, Ủy ban nhận thấy chương trình giáo dục hiện hành nhìn chung vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh. Mặt khác việc thực hiện cứng nhắc một chương trình chung không phù hợp đối với học sinh các địa phương, cơ sở giáo dục với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, nói chung phải phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh, bao gồm những nội dung cốt lõi, bắt buộc áp dụng trên quy mô toàn quốc và những nội dung bổ sung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời dành thời lượng để cơ sở giáo dục vận dụng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Cũng trong thời gian qua, Ủy ban cho rằng việc dạy học tích hợp chủ yếu mới chỉ được thực hiện ở cấp tiểu học, còn ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông thì mới bước đầu được triển khai nhưng ở mức thấp và thiếu tính hệ thống, nhất quán, hiệu quả dạy học còn hạn chế. Việc dạy học phân hóa đã được thực hiện theo hình thức phân ban trung học phổ thông, thực chất là học tự chọn theo nhóm các môn học nâng cao về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hoặc theo khối thi đại học. Thực tiễn cho thấy hình thức phân ban đã không thành công.

Vì vậy, Ủy ban nhất trí với định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ phải thực hiện tích hợp mạnh theo lĩnh vực, liên môn ở các cấp học dưới và phân hóa sâu ở cấp trung học phổ thông theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn và áp dụng phương thức tích lũy tín chỉ.

Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các giải pháp khắc phục sự thay đổi cơ cấu môn học và đội ngũ giáo viên phát sinh khi dạy học tích hợp mạnh và đáp ứng sự gia tăng yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên và năng lực cán bộ quản lý khi tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn và áp dụng phương thức tích lũy tín chỉ, đồng thời trình bày cụ thể hơn về mức độ, hình thức và phương án dạy học tích hợp, phân hóa đối với từng cấp học, lớp học.

Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa phổ thông và Ủy ban đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác.

Băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa khác nếu thực hiện theo phương án của Đề án, một số chuyên gia, nhà quản lý đề xuất: Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Về vấn đề này, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. Về đối tượng tham gia biên soạn sách giáo khoa, Ủy ban tán thành phương án do Chính phủ đề nghị với các lý do sau đây:

Thứ nhất, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa để đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học.

Thứ hai, việc biên soạn song hành một bộ sách giáo khoa cung cấp tài liệu giáo dục để tổ chức dạy học thực nghiệm cần thiết cho việc ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông.

Thứ ba, mục tiêu vì lợi ích của đông đảo học sinh và vì chất lượng giáo dục phải đặt lên trên yêu cầu công bằng trong kinh doanh nếu có xung đột. Hơn nữa, băn khoăn về vấn đề này có thể xử lý bằng việc bán đấu giá bản quyền bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn cho các nhà xuất bản để phát hành, kinh phí thu được nộp ngân sách nhà nước cũng như việc giao thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục.

Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa khách quan, độc lập; quy định, quy trình cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh của nhà trường.

Có ý kiến nhất trí với chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, ngoại trừ các sách giáo khoa về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân thì Nhà nước vẫn phải trực tiếp tổ chức biên soạn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực