Cử tri góp ý về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ tư, 11/06/2014 16:27

(ĐCSVN) - Sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Theo dõi qua truyền hình và phát thanh trực tiếp, nhiều cử tri tán thành với ý kiến của Bộ trưởng. Tuy nhiên, một số cử tri cho rằng, Bộ trưởng trả lời vẫn chung chung, chưa đề cập sát vấn đề mà người dân quan tâm.

Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung vào các vấn đề: chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề còn thấp, chưa phù hợp yêu cầu của thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội…Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời các câu hỏi của đại biểu về việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sáng 11/6, cử tri Đỗ Đức Long (34 tuổi – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: Giáo dục luôn là vấn đề “nóng” nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng, nhất là những vấn đề “nóng” hiện nay như chất lượng đào tạo thấp, sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí trong đào tạo…

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng có đưa ra giải pháp như cân nhắc và cho thành lập hai đại học quốc gia, cho thành lập những kiểm định viên chất lượng để kiểm định chất lượng dạy và học… Về vấn đề này, cử tri Đỗ Đức Long cho rằng, giải pháp mà Bộ đưa ra còn quá chung chung, chưa cụ thể, chưa đi sát thực tế.

Theo cử tri Long, Bộ cần rà soát tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao con số sinh viên hàng năm ra trường lại thất nghiệp nhiều như vậy? Trong số đó, rất nhiều sinh viên khá, giỏi vẫn rất khó kiếm việc làm? Phải chăng đây là do chất lượng đào tạo khiến sinh viên của ta thiếu kỹ năng thực tế, dẫn đến khó tìm việc khi ra trường?

Liên quan đến chất lượng đào tạo đại học nói chung, trong đó có chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, cử tri Long cho rằng, Bộ trưởng đã nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận yếu kém trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng trên, các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra còn dài dòng, chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri.

Theo cử tri Long, để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, Bộ GD&ĐT cần phải rà soát lại các cơ sở đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu lại cơ chế, xây dựng đội ngũ giáo viên, tăng tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo, đổi mới cơ chế tài chính, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Theo cử tri Đỗ Lê Vân (35 tuổi – Nhân viên Ngân hàng): Tôi rất hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng về việc dạy và học ngoại ngữ. Bộ trưởng rất thẳng thắn trong việc thừa nhận việc dạy và học ngoại ngữ của ta hiện nay “không giống ai trên thế giới”. Bộ trưởng cũng nhìn nhận sự việc một cách trung thực, về cách dạy, học và thi ngoại ngữ trong trường học, tại tất cả các cấp học đang có vấn đề, bị lệch về phần ngữ pháp nên học sinh sau khi tốt nghiệp nhận chứng chỉ nhưng vẫn không thể nghe, nói được…

Để cải thiện tình hình trên, Bộ đã đưa ra giải pháp là phải triển khai đào tạo, chuẩn hóa lại đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, chấn chỉnh lại cách dạy, học, thi ngoại ngữ rồi mới tăng tốc theo các mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia.

Cử tri Vân cho rằng, đây là giải pháp sáng suốt, khoa học. Theo cử tri, muốn chất lượng dạy và học ngoại ngữ được tốt lên thì cần phải xem xét lại từ đội ngũ giáo viên, phải có phương pháp đào tạo khoa học mới nâng cao được trình độ dạy và học ngoại ngữ của học sinh.

Về việc nên hay không đưa ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, cử tri Vân cho rằng, Bộ trưởng trả lời cũng rất hợp lý. Bởi chúng ta đang đổi mới giáo dục theo hướng học thực chất. Việc cho phép các em lựa chọn môn thi chính là một trong những cách thức để các em chủ động lựa chọn môn học phù hợp với ngành nghề mình sẽ học, sẽ làm trong tương lai. Những em nào chọn thi môn ngoại ngữ là những em chắc chắn về năng lực ngoại ngữ của mình, và chắc chắn việc lựa chọn môn học phục vụ nghề nghiệp trong tương lai của các em. Như vậy, việc học ngoại ngữ sẽ đi vào thực chất chứ không phải để đối phó.

Đồng tình với quan điểm trên, cử tri Lê Thị Lan (42 tuổi – Giáo viên Trường tiểu học Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ ra khá hài lòng về nội dung Bộ trưởng trả lời.

Cử tri Lan cho rằng, Bộ trưởng hoàn toàn có lý khi cho rằng, không phải không thi thì các em không học. Ngày nay, ai cũng hiểu vai trò quan trọng của môn ngoại ngữ. Tại các khu du lịch có khách nước ngoài, người dân dù không được đào tạo bài bản song cũng bằng nhiều cách đã tự học ngoại ngữ để phuc vụ công việc của mình. Vì thế, dù không thi nhưng việc học ngoại ngữ vẫn không hề bị xao nhãng, vấn đề là học sớm hay muộn mà thôi và cách dạy, học như thế nào, trong hoàn cảnh nào…

Theo cử tri, nếu tất cả những vấn đề “nóng” khác của ngành giáo dục tiếp tục được nhìn nhận một cách thực tế, khách quan như tại phiên chất vấn hôm nay và có giải pháp tích cực hơn, thì trong tương lai giáo dục Việt Nam sẽ phát triển hơn nhiều./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực