Giảm tải chương trình sách giáo khoa thế nào cho phù hợp

Thứ năm, 05/01/2012 10:36

(ĐCSVN) - Với mục đích khắc phục những bất cập và giảm bớt sự nặng nề trong chương trình học phổ thông cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh giảm tải nội dung dạy các môn học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông từ năm học 2011-2012. Tuy nhiên, sau 4 tháng thực hiện việc giảm tải này còn nhiều vấn đề phải bàn.

 
         Thầy Đặng Quang Thành. Ảnh VA
Thầy Đặng Quang Thành, Hiệu trưởng THCS xã Hán Đà, huyện Yên Bình, Yên Bái: Việc giảm tải chưa đồng bộ

Hiện nay, việc giảm tải chưa đồng bộ, vẫn còn có những chỗ thiếu khoa học. Cách giảm tải phải mang tính hệ thống chặt chẽ về cấu trúc của chương trình thế nhưng đôi chỗ giảm tải lại mang tính chắp vá. Nếu như giảm đi ở nội dung này, thì nó lại chắp vá ở nội dung khác. Tính hệ thống chưa được đảm bảo một cách chặt chẽ và logic.

Ví dụ ở một bộ môn giảm 1 bài (1 tiết không dạy) nhưng trong bài và trong tiết ấy lại có một phần mà nếu như không dạy thì bài sau học sinh không tiếp thu được. Ngoài ra, ở nhiều môn học giảm tải còn chưa chặt chẽ, chưa logic. Ví dụ ở phần giảm tải, nó không ảnh hưởng gì đến toàn bộ kiến thức ở bộ môn ấy nhưng nó lại ảnh hưởng đến kiến thức của bộ môn khác.

Do đó, theo tôi, giảm tải chương trình là cần thiết nhưng phải giảm tải một cách khoa học hơn, chặt chẽ hơn. Phải có một chương trình mới vì nếu năm nay giảm một nội dung này, sang năm giảm một nội dung khác thì chương trình ấy nó bị chắp vá.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thấy được những kết quả bước đầu của việc giảm tải chương trình, đó là, giảm được áp lực học hành đối với học sinh, tạo ra tâm thế thoải mái hơn... Ở trường tôi, các thấy cô thực hiện nghiêm và tốt những gì giảm tải. Tăng cường hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đối với học sinh, tăng cường công tác đội.

 

 NGƯT Vương Toản. Ảnh VA

NGƯT Vương Toản, Trường THCS Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh: Chương trình học giảm tải cần phải đặt ra tiêu chí cụ thể

Có thể thấy, chương trình hiện nay nặng cả về thời gian, nặng cả về kiến thức, thậm chí nặng cả về số môn. Hay nói cách khác là 3 nặng. Vấn đề ở đây, giảm tải không phải là giảm kiến thức, giảm tải ở đây nghĩa là phải chọn lọc kiến thức mà thế hệ trẻ cần. Hiện nhiều môn trong chương trình của mình vẫn nặng về kiến thức hàn lâm. Học sinh có thể thuộc lý thuyết nhưng thực tiễn thì không làm được. Ví dụ, học sinh có thể học thuộc môn Lý hiểu cách vận hành nhưng khi lắp ráp các em không lắp ráp được. Theo tôi, chương trình học giảm tải cần phải đặt ra tiêu chí như để học sinh mẫu giáo chơi là chính, học sinh tiểu học thì vừa học vừa chơi, học sinh cấp 2 thì học nhiều hơn chơi, học sinh cấp 3 thì phải học nhiều hơn nữa. Tóm lại là đừng gây áp lực nhiều quá cho các em.

Sau một thời gian thực hiện triển khai giảm tải, hiện nay tôi thấy chương trình vẫn nặng. Chẳng hạn như môn tiếng Anh, ở thành phố, thị xã có điều kiện thì còn theo kịp, còn ở vùng nông thôn thì rất khó khăn. Tôi thấy rất rõ, vì trong nhiều năm thi vào PTTH môn tiếng Anh bao giờ điểm cũng rất thấp. Chúng tôi đặt câu hỏi, nhiều năm như vậy, mà cả tỉnh chất lượng môn tiếng Anh không được cải thiện thì rõ ràng ở đây không phải vấn đề đội ngũ, không phải về một phía học sinh, mà toàn tỉnh như vậy. Cho nên ta đặt ra vấn đề chương trình. Đề thi chuẩn theo chương trình rồi. Theo tôi, bây giờ muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì các trường sư phạm phải tốt, các máy cái phải tốt./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực