Gỡ rối ra sao về chính sách lợi nhuận, phi lợi nhuận ở các trường ĐH ngoài công lập?

Thứ năm, 07/08/2014 14:59

(ĐCSVN)- Qua vụ xung đột vừa xảy ra ở Trường ĐH Hoa Sen, và Trường ĐH Hùng Vương năm trước suy cho cùng đều xoay quanh chuyện tiền nong. Một khi chính sách về tính sở hữu lợi nhuận và phi lợi nhuận thiếu rõ ràng thì xung đột về mặt lợi ích của các trường ĐH ngoài công lập sẽ còn tiếp diễn.

 

 GS. Đào Trọng Thi. Ảnh: XT

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Kết luận của Hội đồng quản trị phải được thực hiện theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số

Cơ cấu thành phần và cơ chế quyết định của Hội đồng quản trị của cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp đã khiến cho hoạt động đào tạo của nhà trường bị chi phối bởi một số ít các cổ đông lớn. Việc tham gia đầu tư của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, làm phát sinh xung đột giữa bản chất phục vụ cộng đồng, xã hội của giáo dục ĐH với mục đích lợi nhuận kinh doanh. Trên thực tế, việc không xử lý thỏa đáng mối quan hệ trên đã dẫn đến hiện tượng thương mại hóa giáo dục, mất đoàn kết trong Hội đồng quản trị và lãnh đạo nhà trường, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả ở một số cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập trong thời gian vừa qua.

Có thể thấy, để hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư chiến lược với vốn đầu tư lớn, nhưng vẫn tránh được khuynh hướng thương mại hóa giáo dục nhằm bảo vệ lợi ích xã hội nói chung và quyền lợi của người học nói riêng, Nhà nước chấp nhận một mức “lợi nhuận hợp lý” với những điều kiện nhất định trong hoạt động giáo dục và ưu tiên thành lập các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập, đặc biệt là những cơ sở có vốn đầu tư lớn và đáp ứng tốt các điều kiện thành lập trường.

Luật Giáo dục ĐH ban hành năm 2012 đã đưa ra khái niệm “Cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận” theo nguyên tắc các cổ đông góp vốn không hưởng lợi tức (tức là phi lợi nhuận) hoặc hưởng lợi tức với mức không vượt lãi suất trái phiếu Chính phủ, đồng thời điều chỉnh “lợi nhuận hợp lý” của các “Cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập hoạt động vì lợi nhuận” bằng quy định dành 25% lợi nhuận của cơ sở đầu tư trở lại cho phát triển giáo dục của nhà trường và được coi là tài sản không chia. Nhà nước khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập, kể cả các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận bằng các chính sách về thuế, sử dụng đất đai, tín dụng, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý với sự phân biệt mức độ ưu tiên giữa các cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận và các cơ sở hoạt động vì lợi nhuận hợp lý. Phần vốn, tài sản không chia của cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập là sở hữu chung, thực chất là sở hữu cộng đồng. Phần sở hữu cộng đồng được tích lũy dần và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, đưa cơ sở đào tạo từng bước tiến tới mô hình phi lợi nhuận. Về bản chất, các “Cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập phi lợi nhuận” có hình thức sở hữu cộng đồng, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế kinh tế thị trường, bởi vậy cần được miễn thuế và hưởng các chính sách ưu tiên khác tương tự như đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và với chính sách khuyến khích, ưu tiên của Nhà nước, khối các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập phi lợi nhuận sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh và cùng với các cơ sở giáo dục đại học công lập trở thành nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học nước nhà.

Luật Giáo dục ĐH quy định trong thành phần hội đồng quản trị của cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập phải có đại diện của tập thể giáo dục nhà trường và đại diện chính quyền địa phương bên cạnh đại diện của các nhà đầu tư (trong đó, phần sở hữu cộng đồng có đại diện từ cộng đồng xã hội), còn quyết định, kết luận của hội đồng quản trị được thực hiện theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số. Cơ cấu và cơ chế quyết định mới này của hội đồng quản trị giúp xử lý hài hòa lợi ích xã hội với quyền lợi của nhà đầu tư, bảo đảm bám sát mục tiêu và yêu cầu của giáo dục, không thương mại hóa giáo dục.

 

 TS Lê Viết Khuyến. Ảnh: XT

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT): Nên thay bằng Hội đồng quản trị với nhiều thành phần khác nhau tham gia

Hiện nay, Luật Giáo dục đại học, quan niệm tính chất không vì lợi nhuận chỉ biểu hiện thông qua việc phân bố lợi tức mà chưa quan tâm đến sự độc quyền can thiệp vào các hoạt động hàng ngày của các cổ đông lớn đối với nhà trường. Tuy nhiên, theo thông lệ chung các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận phải được thể hiện bởi 3 tiêu chí: Không chia lợi nhuận cho cá nhân (hoặc chia bằng hay thấp hơn mức lãi suất ngân hàng); Toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu cộng đồng; Được quản lý bởi một hội đồng đại diện cho tất cả các nhóm có lợi ích liên quan trong cộng đồng xã hội, bao gồm nhiều thành phần: nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp, nhà giáo dục, nhà quản lý, chính trị gia,...

Từ những sự việc phức tạp đang diễn ra gần đây đối với các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập mà mới nhất là với Trường ĐH Hoa Sen, trong các văn bản nhà nước cần phải tách bạch ra hai loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Các văn bản chỉ đạo của Nhà nước đã ban hành cho tới nay chỉ áp dụng được đối với loại trường tư thục vì lợi nhuận. Ở loại trường này cổ đông (tức là người góp vốn) không chỉ được hưởng lợi tức không giới hạn mà còn có quyền can thiệp vào công việc điều hành nhà trường, được giữ các vị trí trọng trách trong trường; còn các cán bộ, nhân viên của trường (từ Hiệu trưởng trở xuống) thực chất chỉ là những người được các cổ đông (nhất là những cổ đông có cổ phần lớn) tuyển dụng. Do đó các nhà giáo dục, các nhà quản lý nếu không có vốn góp thì đương nhiên phải chấp nhận đứng ở vị trí bị điều hành. Đối với loại trường này, sự cạnh tranh quyết liệt chỉ diễn ra, nếu có, giữa các cổ đông lớn, thông qua hình thức mua bán, chuyển nhượng cổ phần (như đang xảy ra tại Trường ĐH Hoa Sen).

Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành thêm Quy chế trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận với các định hướng như sau: Nên bỏ khái niệm đại hội đồng cổ đông, thay thế bằng Hội đồng các nhà góp vốn với tư cách như một tổ chức tư vấn cho Hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, đại diện cho quyền sở hữu của cộng đồng xã hội (trong đó có các nhà góp vốn). Thành phần của Hội đồng quản trị cũng giống như Hội đồng trường của các trường ĐH công, tức là phải bao gồm các đại diện ưu tú của cộng đồng như các chính trị gia, các nhà giáo dục và văn hóa có tên tuổi, các doanh nhân tầm cỡ, đại diện chính quyền, đại diện của các nhà góp vốn. đại diện giảng viên và cán bộ quản lý,... Với tính chất và cơ cấu hội đồng như vậy, trên thực tế có sự tiếp cận rất gần giữa trường công và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Các nhà góp vốn được cộng đồng vinh danh, được cử đại diện vào Hội đồng quản trị, được quyền giới thiệu các thành viên Hội đồng quản trị thuộc các thành phần khác, được bảo toàn vốn và được hưởng lãi suất hàng năm bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ (nhưng ở đây không nên gọi là lãi suất mà nên gọi là phần thưởng cho những người có công xây dựng trường ban đầu)./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực