GS Đào Trọng Thi: Cần đảm bảo sự công bằng giữa các cụm thi

Thứ tư, 24/09/2014 15:05

(ĐCSVN) - Kết luận tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) về đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) vừa diễn ra, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phân tích những bất cập trong Kỳ thi THPT quốc gia.

GS Đào Trọng Thi cho rằng, đa số đại biểu đều đồng tình cần có một kỳ thi quốc gia, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, cũng là một bước triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy vậy, GS Đào Trọng Thi cũng chia sẻ: Nghị quyết 29 không đề cập chúng ta phải tổ chức một kỳ thi với 2 mục đích. Việc tổ chức phương án kỳ thi quốc gia hiện tại là đi theo hướng Nghị quyết 29, nhưng không phải là con đường duy nhất để thực hiện Nghị quyết 29. Để thấy rằng, nếu kỳ thi nhằm 2 mục đích không đáp ứng được Nghị quyết Trung ương thì có thể thay đổi mà không trái với Nghị quyết Trung ương.

 

 GS Đào Trọng Thi. Ảnh: VA


Các đại biểu băn khoăn về tính quốc gia, tính bắt buộc vì kỳ thi này, Bộ trưởng có giải thích kỳ thi quốc gia chỉ bắt buộc đối với tốt nghiệp phổ thông, còn không bắt buộc với tuyển sinh ĐH. Việc tuyển sinh ĐH đã được tự chủ, có thể sử dụng, có thể không sử dụng, mà tổ chức theo phương án tuyển sinh riêng, họ lấy kết quả thi theo tinh thần tự nguyện tự chủ, không thể áp đặt được.

GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh, lựa chọn cụm thi do ĐH chủ trì là giải pháp mạnh, nếu làm tốt thì sẽ rất hiệu quả, phát huy được ưu điểm tính nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp so với trước đây, nhưng phải tính toán, có lộ trình, để không gây sốc cho xã hội. Thế nhưng GS băn khoăn sự công bằng giữa các cụm thi do ĐH tổ chức, và giữa cụm thi ĐH và địa phương tổ chức.

“Đối với cụm thi địa phương, lúc đầu thấy Bộ GD&ĐT giải thích: Các em nào không có nhu cầu vào ĐH thì có thể thi ở đây. Sau đó giải thích một số trường ĐH vẫn có thể tuyển sinh các em này. Như vậy sẽ xuất hiện sự bất cập đó là tính nghiêm túc là không đồng đều, không tạo mặt bằng chung về kết quả thi, anh nào thi ở cụm ĐH chắc chắn sẽ kém hơn ở cụm địa phương. Kỳ thi cụm địa phương và ĐH chắc chắn là khác nhau. Kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy và cả dư luận đều thấy. Đây là một điểm yếu Bộ tìm biện pháp sớm khắc phục càng hạn chế bao nhiêu càng tốt” - GS Đào Trọng Thi bày tỏ.

GS Đào Trọng Thi gợi ý, nên chăng cụm thi địa phương chỉ áp dụng cho đối tượng vùng miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, chứ không thể mở rộng cả nước, vì hầu hết các cháu chỉ có nhu cầu tốt nghiệp, ít cháu có nhu cầu vào ĐH, kể cả khi điểm thi cao. Đây là cách ưu tiên. Mặt khác, những đối tượng này thì cũng thi luôn tại trường, không cần thiết phải lập cụm thi địa phương

“Thay vì bắt các cháu đi 300 cây số như trước, giờ bắt các cháu đi 150 cây thì cũng không nên. Còn đối tượng này muốn vào ĐH buộc phải thi theo cụm ĐH, để tạo sự công bằng” – GS Đào Trọng Thi cho hay.

Mặt khác, GS Đào Trọng Thi phân tích bất cập, việc xét tốt nghiệp dự báo ở các cụm thi ĐH sẽ thấp, chắc chắn là vậy. Đề thi chưa chắc là yếu tố chính để phân điểm cao thấp, mà chính là việc coi thi, chấm thi nghiêm túc. Vậy làm sao để xét điểm tốt nghiệp phải đạt mức trung bình, không thể có chuyện 3 điểm thi đủ tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT phải ra đề thi thế nào để các em đáng được tốt nghiệp phải được 5 điểm trở lên, đấy là khó. Các em cụm thi địa phương thì dễ hơn, nhưng cụm thi ĐH sẽ khó, cần phải lường trước việc này. Đây cũng sẽ tạo sự công bằng.

Nhiều địa phương không có cụm thi riêng, nếu em chỉ muốn thi tốt nghiệp vẫn phải tham gia vào cụm thi ĐH. Như vậy các em này không muốn thi ĐH cũng phải tham dự như thi ĐH. Nếu vậy, những em này sẽ bị thiệt hơn nhiều so với thi cụm địa phương. Nếu điểm thi quá thấp có được xét tốt nghiệp hay không? Như vậy tỷ lệ tốt nghiệp có thể sẽ bị quá thấp, mà quá thấp không phải vì các em kém hơn so với các năm trước mà vì cách tổ chức thi.

Đối với thi ĐH, GS cũng chỉ ra sự không công bằng giữa các cụm thi. Tuy thi cùng một đề nhưng có thể dẫn đến “đầu vào” của một số trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi sẽ “vét” các cháu ở cụm thi địa phương theo phương án tuyển sinh riêng. Mà điểm thi các cháu ở cụm địa phương cao là do trông thi dễ dãi, trong khi các cháu cụm ĐH có thể học khá hơn nhưng điểm thi lại thấp hơn do coi chặt. Như vậy một số đầu vào ở trường ĐH thiếu học sinh lại càng thấp.

GS cảnh báo, cần đề phòng hiện tượng này, lúc đầu không muốn thi ĐH, nhưng chẳng may điểm cao thì lại quay sang nộp xét vào ĐH. Đây là hiện tượng "lách" tập trung đăng ký ở cụm địa phương để có điểm cao, sau đó "lách" tuyển vào ĐH, nhất là ĐH ngoài công lập./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực