GS.TS Nguyễn Minh Thuyết góp ý về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Thứ sáu, 29/08/2014 20:49

(ĐCSVN) - Tham vấn chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã chỉ ra nhiều bất cập, thiếu thuyết phục trong Đề án Đổi mới chương trình, SGK.

Tại Hội thảo tham vấn các chuyên gia về đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông ngày 28/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay gồm 9 năm giáo dục cơ bản (5 năm tiểu học, 4 năm THCS) và 3 năm THPT.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, mặc dù đề xuất thay đổi số năm học THCS Bộ GD&ĐT đã rút, nhưng qua việc Bộ GD&ĐT đề ra một phương án sau đó lại rút là cần hết sức rút kinh nghiệm vì trước khi đề ra 1 phương án cần phải nghiên cứu cẩn thận.

 

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về
 Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông ngày 28/8. 
Ảnh: Phạm Thịnh

Chẳng hạn việc định thêm 1 năm ở THCS thì bao nhiêu chuyện xung quanh đó phải giải quyết, biên chế giáo viên thế nào? mức lương tính sao? Mỗi trường THCS thêm 1 khối 10, tức là thêm 5 đến 10 phòng học. Trong lúc hầu hết các trường đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất, ngân sách nhà nước thiếu. Rõ ràng, việc thêm 1 năm cho THCS sẽ tạo ra rất nhiều xáo trộn, rất nhiều khó khăn. "Những sáng kiến như thế này là khá bất ngờ, chưa có báo cáo đánh giá tác động. Bộ GD&ĐT đề ra rồi rút là hết sức đáng trách", GS Thuyết nói.

Về biên soạn chương trình, SGK mới, GS Thuyết cho rằng: Nên chú trọng đến phương pháp thực hiện chứ không chỉ viết dựa vào câu chữ. GS đề xuất Bộ GD&ĐT nên thực hiện theo 3 bước: Điều chỉnh chương trình trước, sau đó yêu cầu giáo viên điều chỉnh phương pháp, trong thời gian đó thì tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Cách làm đó hay hơn so với đồng loạt thay hết SGK.

GS Thuyết khuyến nghị, việc huy động lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có nhiều bộ SGK phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách có lợi cho người dạy và người học. Tuy nhiên, rất có thể sẽ để xảy ra sai sót, nhất là trong SGK các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Do đó, Bộ GD&ĐT nên có một bộ SGK nòng cốt, nhưng chỉ làm một số môn khoa học xã hội (Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử…), còn các môn khoa học tự nhiên thì xã hội hóa, hoặc có thể dịch SGK nước ngoài để không tốn nhiều kinh phí.

GS Thuyết cũng cho rằng, những sách giáo khoa về khoa học tự nhiên các nước phát triển trên thế giới đã làm rất tốt vì vậy không nên mất công để làm lại những nội dung này. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là nhà nước biên soạn SGK tiểu học và SGK các môn khoa học xã hội./. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực