Không nên giảm thời gian làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Toán, Văn

Thứ ba, 11/03/2014 17:53

 
 GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu. Ảnh: MC
(ĐCSVN) - Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT) đang xin ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Xung quanh nội dung đổi mới thi tốt nghiệp, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, quyền Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học Giáo dục Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam.

Phóng viên (PV): Nằm trong nội dung lấy ý kiến, Bộ GD&ĐT dự kiến giảm thời gian thi tốt nghiệp môn Toán và Ngữ văn sẽ chỉ còn 120 phút, thay vì 150 phút như các năm trước, như vậy có nên hay không nên, thưa bà?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Về thời gian thi tốt nghiệp môn Toán và môn Ngữ văn, theo tôi không nên rút ngắn thời gian từ 150 phút xuống còn 120 phút với mục đích để giảm nhẹ cho học sinh. Nặng nề hay không là ở nội dung đề thi, chứ không phải ở thời gian thi.

Một nguyên tắc chung của các kỳ thi nhằm mục đích đánh giá cũng như sàng lọc là càng nhiều câu hỏi thì việc đánh giá càng sát với trình độ thực của đối tượng dự thi. Đề thi cũng cần bao trùm nhiều phần của chương trình với mức độ khó khác nhau. Để thực hiện được như vậy, thì thời gian thi 150 phút như hiện hành là thích hợp để đáp ứng các yêu cầu trên, người thi với trình độ trung bình cũng có đủ thời gian thể hiện hết khả năng của mình.

PV: Trong Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó có nội dung công nhận và xếp loại tốt nghiệp sử dụng 50% kết quả học tập, rèn luyện lớp 12, liệu có xuất hiện tiêu cực trong quá trình xét kết quả học tập lớp 12 hay không thưa bà?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Đánh giá tốt nghiệp THPT là một việc làm cần thiết, góp phần đánh giá kết quả đào tạo bậc phổ thông, cũng như phục vụ việc tuyển sinh đào tạo sau bậc THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT với chỉ 4 môn thi, dù với mục đích gì, tổ chức nghiêm túc thế nào thì cũng khó lòng đánh giá đầy đủ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học ở bậc THPT. Vì vậy, việc sử dụng kết quả học tập, rèn luyện ở lớp 12 được tính 50%, theo tôi là thỏa đáng. Khi sử dụng kết quả học tập, rèn luyện ở lớp 12, theo tôi nên xét đủ mọi môn học, nhất là những môn thấy cần thiết, mà học sinh ít quan tâm học như môn Sử.

Về ý kiến "liệu có xuất hiện tiêu cực trong quá trình xét kết quả học tập lớp 12 hay không", theo tôi "có phát sinh tiêu cực" hay không, trong thực tế hiện nay, không ai dám nói là không, nhưng đến mức độ nào là tùy thuộc vào quyết tâm giữ nghiêm túc của lãnh đạo, cách tổ chức thực hiện có đủ nghiêm chỉnh hay không. Nếu có cách huy động được các nhân tố tích cực trong đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên thì mức độ tiêu cực sẽ bị hạn chế và tôi tin rằng theo thời gian, cùng với sự kiên nhẫn và nghiêm túc, gương mẫu của những người có trách nhiệm, yếu tố tích cực sẽ thắng thế. Không thể vì sợ tiêu cực mà không làm những điều đáng làm.

PV: Trước việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, học sinh được lựa chọn 2 môn thi thì việc rất ít học sinh lựa chọn môn Sử để thi tốt nghiệp, thậm chí có trường THPT ở Hà Nội không có học sinh nào lựa chọn thi tốt nghiệp môn Sử, liệu như vậy có đáng lo ngại không, thưa bà?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Thi tốt nghiệp bậc THPT năm nay với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng với 2 môn tự chọn, theo tôi 2 môn tự chọn phải gắn với định hướng nghề nghiệp, xem là điều kiện cần để được vào ngành học sau bậc THPT. Ví dụ: học sinh sẽ tiếp tục theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật thì môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT phải là Vật lý, Hóa học hay Sinh học; nếu sẽ theo học ngành Y, Dược hay Nông nghiệp, Thủy sản môn thi tự chọn phải là Sinh học, Hóa học v…v... Còn nếu thi vào các ngành KHXHNV thì môn thi tự chọn phải là Địa, Sử và …. hoặc cũng có thể lấy kết quả của các môn học tương ứng đã nêu trong cả 3 năm học THPT làm căn cứ để tuyển chọn đào tạo sau THPT.

Điểm tuyển chọn vào một ngành học, cần có quy định môn học nào đó cần thiết hoặc liên quan với ngành học sau bậc phổ thông phải cao hơn điểm môn học này để đạt tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn muốn vào học các ngành thuộc khối khoa học xã hội nhân văn kể cả báo chí thì ngoài môn Văn, cần quy định môn thi tự chọn phải là môn Sử và phải đạt điểm thi môn Sử đến mức độ nào đó. Cũng không sợ quy định như thế sẽ không có học sinh thi vào các ngành này, vì trong khối ngành XHNV cũng có những ngành mà nhiều học sinh đang muốn học, vì nhiều lý do khác nhau.

Hiện tại, học sinh muốn theo học ngành Sử ít, thì việc ít người lựa chọn môn Sử để thi cũng là bình thường, nhưng là việc mà chúng ta cần quan tâm tìm hiểu để cải thiện tình hình. Có phải theo học ngành Sử thì khó tìm việc làm sau khi ra trường chăng? Nếu thế thì cũng định hướng được cách giải quyết.

Nếu các kiến thức cơ bản về Sử đã được dạy ở bậc THCS thì điều kiện để vào học lớp 10, cần tính đến kết quả học tập của tất cả các môn học, trong đó có môn Sử.

Việc đề xuất những quy định để học sinh không lơ là môn Sử, chỉ nên xem là "biện pháp tình thế", vì môn học này đâu có phải là không thú vị, mà phải chăng cách dạy hay nội dung dạy chưa thích hợp?! Cần tìm đúng căn nguyên để có biện pháp điều chỉnh đúng, bởi mỗi người chúng ta đều thấy kiến thức về Sử học là cần thiết, ít nhất là có được cách nhìn khách quan, đúng đắn về các sự việc đang xảy ra hiện nay trong nước và trên thế giới để có được hành động đúng đắn.

PV: Xin trân trọng cám ơn bà!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực