Nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia

Thứ tư, 21/10/2015 20:28

(ĐCSVN) - Kỳ thi “hai chung” sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2016, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế những bất cập đã xảy ra như đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015.

 

 Ảnh minh họa. (Nguồn: VA)


Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga cho biết tại buổi họp báo quý III vừa diễn ra. Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia, Thứ trưởng nhấn mạnh: Kỳ thi đã được tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc theo đúng tinh thần Nghị quyết 29. Tác động tích cực của kỳ thi được thể hiện ở một số phương diện như: giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội; góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề.

Tuy nhiên, mặt hạn chế còn tồn tại trong công tác tổ chức xét tuyển đại học, cao đẳng đó là: công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa tốt dẫn đến một số thí sinh, gia đình, nhà trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn còn chưa hiểu hết các quy định mới về tuyển sinh, nên việc đăng ký dự tuyển, đăng ký xét tuyển còn có sai sót; thời gian xét tuyển đợt 1 quy định 20 ngày là quá dài; về thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đợt 1 chưa hợp lý; vấn đề kỹ thuật còn bất cập…

“Những trục trặc như vừa qua là rất nhỏ và Bộ đã có hướng giải quyết kịp thời. Việc thi “hai chung” là quá mới, lại không thể làm thí điểm trên phạm vi hẹp, buộc phải làm trên cả nước nên không tránh khỏi những thiếu sót. Tiếp thu ý kiến đánh giá và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã và đang nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng cho những năm tới trong lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Thứ trưởng cho biết thêm, năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ có những thay đổi đó là: Tăng tính tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng; giao các trường tự xét tuyển, Bộ không cấp giấy báo điểm như vừa qua. Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh ảo sẽ lớn do đó phải có phương thức hạn chế thí sinh ảo. Bên cạnh đó, chia ra các đợt xét tuyển khác nhau; khuyến khích các trường tốp trên liên kết với nhau để xét tuyển, việc rút – nộp hồ sơ và trúng tuyển chỉ trong phạm vi các trường này.

Được biết, hiện nay các trường đại học, cao đẳng đã tuyển được 85% chỉ tiêu, trong đó đại học khoảng 97%, các trường cao đẳng tuyển sinh được hơn 60% và sẽ phải tuyển tiếp đợt 4. Việc nhiều trường khó tuyển sinh cho thấy thí sinh đã có quyền lựa chọn trường, ngành nghề yêu thích. Những trường có sức hút thí sinh đã được thể hiện rõ. Những trường khó tuyển sinh thường ở những vùng khó khăn. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ bàn bạc việc cấu trúc lại các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực