PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT nên khoảng 60 - 70%

Thứ ba, 19/08/2014 20:27

 

 PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: XT

(ĐCSVN) - Bàn về phương án Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, xét trên nhiều phương diện, phương án 2 là phù hợp và khả thi hơn cả. Tuy nhiên, phương án này cũng cần một số điều chỉnh.

Phương án 2 được Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến là sẽ thi theo bài với 5 bài thi, gồm: Bài thi Toán; Bài thi Ngữ văn; Bài thi Ngoại ngữ; Bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học và Sinh học); Bài thi Khoa học Xã hội (Lịch sử và Địa lí). Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định phương án 3 (tổng hợp 4 bài thi) là đích cần hướng đến. Nhưng để có thể áp dụng phương án này, chương trình, cách dạy, cách học,… phải thay đổi. Việc ra được đề thi tích hợp không phải đơn giản và thời gian hiện tại, cả giáo viên lẫn học sinh đều chưa quen với dạng đề thi này.

Mặt khác, nếu cho học sinh chọn hoặc Bài thi khoa học tự nhiên, hoặc Bài thi khoa học xã hội sẽ dễ dẫn đến tình trạng học lệch. Do đó, PGS đề nghị, cần cho học sinh thi cả 5 bài thi bắt buộc.

Cùng với đó, trong xét tốt nghiệp, cần đưa đánh giá cả quá trình học ở phổ thông vào. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã thực hiện việc này, tuy nhiên chỉ lấy kết quả học tập năm lớp 12.

“Cần lấy kết quả cả 3 năm học phổ thông để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, cơ cấu chỉ là 20 đến 30%. Tỷ lệ này có thể đưa dần lên trong điều kiện thích hợp. Đánh giá quá trình là việc rất quan trọng nhằm thúc đẩy các học sinh có động lực học tập liên tục, không phải chỉ học để thi. Cách này cũng hạn chế sự may rủi. Ví dụ, những em học lực 3 năm đều tốt nhưng không may bị ốm, mệt đúng ngày thi khiến ảnh hưởng đến kết quả thi. Như vậy, cách này sẽ đánh giá thực chất người học hơn” – PGS chia sẻ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng đồng thời đề xuất, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu lược bớt những kiến thức phổ thông không cần thiết, giảm tải cho chương trình. Đây là việc cần và có thể làm ngay.

Đề cập đến cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia để có thể đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đề thi cần đánh giá đúng trình độ học sinh phổ thông. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT khoảng 60 - 70% là hợp lý. Với tỷ lệ này, kỳ thi sẽ là bước sơ tuyển để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển lựa thí sinh phù hợp vào trường. Còn với khoảng 30 - 40% thí sinh trượt tốt nghiệp, cách xử lý là có thể sẽ được thi lại. Nhưng tất cả học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12 có thể được cấp 1 chứng chỉ đã học xong bậc học phổ thông. Chứng chỉ này có giá trị để học sinh đi học tại các trường nghề.

“Cần phải khẳng định được giá trị của giấy chứng nhận này. Đó là một cách hiệu quả nhằm phân luồng học sinh phổ thông” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Về vấn đề thi Ngoại ngữ, PGS cho rằng: Việt Nam phải tiến đến có trình độ Ngoại ngữ không thua kém các nước khác trên thế giới. Nếu khó khăn do chênh lệch trình độ giữa các vùng miền, Bộ GD&ĐT có thể ra đề phù hợp với từng vùng miền; vùng khó khăn ra đề thi dễ hơn và ngược lại.

Góp ý về phương án coi thi, chấm thi, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lưu ý chi tiết: Trong Dự thảo ghi rõ, lãnh đạo các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi chủ yếu là lãnh đạo các trường ĐH và lãnh đạo Sở GD&ĐT có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các kỳ thi quốc gia. Với cách viết như vậy, người ta có thể hiểu vai trò chủ yếu là của các trường ĐH, các Sở cũng có thể nghĩ trách nhiệm của họ chỉ là phụ.

Nhưng thực tế, Sở GD&ĐT mới là chủ yếu và trách nhiệm phải quy rõ cho lãnh đạo địa phương, các Sở GD&ĐT. Kỳ thi có đảm bảo nghiêm túc hay không, chính là ở chỗ phân vai rõ ràng. Còn các trường ĐH, CĐ chỉ tham gia với tư cách hỗ trợ, giám định để đảm bảo hơn nữa tính nghiêm túc, khách quan./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực