Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú

Thứ ba, 27/05/2014 15:52

Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), được thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, định cư vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (KT - XH ÐBKK) đi học xa không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Kể từ khi ra đời, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực nhưng so với nhu cầu thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với mô hình PTDTBT.

 

Bữa ăn trưa của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú
THCS Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái). Nguồn: nhandan.org.vn

Số lượng tăng nhanh

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), học sinh dân tộc thiểu số vùng KT-XH ÐBKK nhà ở xa trường, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày thường tự làm lán trại chung quanh trường, mang thực phẩm đến trường nấu ăn, trọ học. Ðiều đó tiềm ẩn nguy cơ học sinh bỏ học, nhất là vào thời kỳ giáp hạt. Năm 2010, hệ thống các trường PTDTBT được bắt đầu thành lập nhằm giúp học sinh theo học chuyên cần. Trong đó, học sinh bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung (hưởng không quá chín tháng/năm học); được ở trong khu bán trú của nhà trường... Ðối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu (hưởng không quá chín tháng/năm học). Ngoài ra, trường PTDTBT được hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị...

Với những chính sách hỗ trợ, số trường PTDTBT tăng lên nhanh chóng. Năm 2010, hệ thống trường PTDTBT chỉ có hai tỉnh với 127 trường, thu hút 13.230 học sinh thì đến nay đã có ở 26 tỉnh gồm 797 trường với 128.645 học sinh theo học. Phần lớn các trường PTDTBT đều tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh ở bán trú. Một số trường PTDTBT thiếu chỗ ở nhưng vẫn tổ chức cho học sinh ăn tập trung, nghỉ trưa tại trường và sắp xếp cho học sinh ở nhờ nhà dân chung quanh trường vào cuối ngày. Từ năm 2010 đến năm 2014, kinh phí hỗ trợ tiền ăn học sinh bán trú cả nước là 2.096 tỷ đồng, tiền ở là 126 tỷ đồng. Ngoài ra, năm học 2013-2014, Chính phủ cấp hơn 38 nghìn tấn gạo cho học sinh bán trú... Sự phát triển của hệ thống các trường PTDTBT góp phần đưa chất lượng giáo dục vùng KT-XH ÐBKK nâng lên. Từ chỗ các trường chủ yếu vận động học sinh đến lớp là chính, tỷ lệ học sinh khá giỏi "đếm trên đầu ngón tay" thì đến nay số học sinh đi học chuyên cần và tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng nhanh. Trong đó, trường PTDTBT cấp tiểu học có 46,6% học sinh khá, giỏi, tỷ lệ bỏ học chỉ còn 1%; trường PTDTBT cấp THCS có 21,5% học sinh khá, giỏi... Một số trường PTDTBT đã có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh...

Ở nhiều địa phương, việc chăm lo phát triển hệ thống trường PTDTBT đạt hiệu quả tích cực. Ðiển hình như tỉnh Yên Bái ngoài những hỗ trợ từ ngân sách theo quy định còn triển khai thực hiện huy động tổ chức, cá nhân đóng góp lương thực, thực phẩm, chăn màn; cán bộ công chức ủng hộ một ngày lương vào dịp chuẩn bị bước vào năm học mới phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh bán trú. Tỉnh Yên Bái vận động người dân xây dựng "kho thóc khuyến học", mỗi gia đình ủng hộ 5-10 kg thóc/vụ, thu được hàng nghìn tấn thóc, tạo nguồn lương thực chăm lo đời sống học sinh bán trú... Trong khi đó, tại tỉnh Nghệ An, ngoài việc dạy, học theo chương trình và chuẩn kiến thức kỹ năng trên lớp, các trường còn đẩy mạnh chăm sóc học sinh bán trú ngoài giờ lên lớp. Các trường PTDTBT đều ưu tiên bố trí đủ ánh sáng cho giờ ôn luyện bài ban đêm cho học sinh và bố trí đội ngũ cán bộ giáo viên quản lý, bảo đảm học sinh tự học có hiệu quả. Tính đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 25 trường PTDTBT có nhà bán trú cho học sinh với 100% số học sinh được nuôi ăn, ở tập trung tại trường. Vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm giảm đáng kể, số học sinh giỏi tăng lên. Năm học 2013-2014, mặc dù ở vùng có điều kiện KT-XH ÐBKK nhưng các trường PTDTBT của Nghệ An có 11 học sinh và sáu giáo viên giỏi cấp tỉnh...

Khó khăn chỗ ở

Mặc dù việc phát triển trường PTDTBT tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng KT - XH ÐBKK đến trường, học tập chuyên cần, tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, nguồn lực đầu tư cho trường PTDTBT hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cho nên còn thiếu đồng bộ. Hiện nay, cả nước có 4.794 phòng ở cho học sinh bán trú, trong đó có 40% là phòng ở tạm; 61% số nhà bếp không bảo đảm yêu cầu; 64% số công trình nước sạch không đạt chuẩn... Việc tổ chức ăn tập trung mới đạt 73% tổng số học sinh bán trú. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, học sinh trường PTDTBT còn phải ở nhờ các nhà dân quanh trường... ảnh hưởng việc chuyên tâm học tập, nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Thị Thu Huyền, để mô hình trường PTDTBT được nhân rộng và phát huy hiệu quả cần tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú theo định hướng "ba tập trung" gồm: ăn, ở và quản lý tập trung. Vì vậy, cần tăng cường đầu tư ngân sách, huy động, lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PTDTBT, nhất là đầu tư các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Từ thực tiễn hoạt động, đại diện Sở GD và ÐT Yên Bái cho rằng, Bộ GD và ÐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng định mức biên chế đối với vị trí việc làm trong các trường PTDTBT, nhất là đối với nhân viên nuôi dưỡng vì vấn đề chăm sóc ăn, ở đối với các trường PTDTBT có vai trò quan trọng hàng đầu. Sở GD và ÐT Gia Lai đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng phụ huynh học sinh và cả hệ thống chính trị để toàn xã hội hiểu rõ về mục đích, mục tiêu giáo dục của trường PTDTBT. Từ đó hệ thống chính trị cùng toàn dân chung tay, góp sức cùng đội ngũ thầy, cô giáo vận động, thu hút học sinh đến trường và giúp học sinh không bỏ học giữa chừng. Ðể làm được điều đó, công tác xã hội hóa giáo dục cần được đẩy mạnh thông qua việc đóng góp nhân lực, vật lực từ nhiều nguồn, nhiều chương trình, tổ chức xã hội và doanh nghiệp...

Có thể nói, những năm trước đây tình trạng chất lượng giáo dục vùng KT-XH ÐBKK còn hạn chế do học sinh phải đi học xa nhà, thiếu đói mùa giáp hạt, tỷ lệ học chuyên cần thấp. Kể từ khi mô hình trường PTDTBT ra đời với sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp học sinh vùng khó khăn phần nào ổn định chỗ ở học tập và bảo đảm bữa ăn hằng ngày giúp cho giáo dục vùng núi, vùng khó khăn ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Thực tế nhu cầu cho học sinh vùng khó khăn vượt qua núi đèo, mùa giáp hạt đến trường vẫn đòi hỏi cần có cự quan tâm cũng như sự vào cuộc nhiều hơn nữa của nhà nước, ngành GD và ÐT cùng công tác xã hội hóa nhằm nhân rộng mô hình các trường PTDTBT và nâng cao chất lượng giáo dục.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực