Sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến đâu?

Thứ tư, 11/06/2014 17:16

(ĐCSVN) - Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sáng 11/6, một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, một số trường mở các ngành về khối khoa học xã hội nhân văn nhiều, khoa học kỹ thuật ít, Bộ GD&ĐT có chính sách gì?

Mở trường chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế của xã hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đề cập đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc để một số lượng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận kiểm điểm: Thứ nhất, trong một thời gian dài mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục đại học chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi cử của các trường chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các trường, tổ chức đào tạo theo khả năng mình có, chưa chú ý, chưa có hoạt động thiết thực để tổ chức hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

 
Rất khó khăn, vất vả để vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học, tiếp theo đó là mấy
năm sinh viên ròng rã học tập, nhưng nhiều cử nhân sau khi ra trường không
tìm được việc làm. Ảnh: Kim Sơn

Thứ ba, quy trình mở trường cấp phép hoạt động cho các trường đại học, cao đẳng thiếu chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế của xã hội và địa phương. Các chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn trong nước và thế giới. Nội dung đào tạo nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, nhẹ thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, những yếu kém đó dẫn đến quy mô tuyển sinh, quy mô sinh viên tốt nghiệp hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo còn thấp và chưa được chú trọng nâng cao. Bộ GD&ĐT cùng với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có trách nhiệm chính trong các yếu kém nói trên.

Kiến nghị hạ chỉ tiêu 450 sinh viên/1 vạn dân xuống còn trên 200 sinh viên/1 vạn dân

Nhìn nhận những yếu kém trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng: Trước mắt, hạn chế việc thành lập các trường đại học, cao đẳng, cải tiến thay đổi quy trình cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động, khắc phục tình trạng có trường đại học được thành lập nhưng chưa có cơ sở vật chất, thầy, cô giáo.

“Gần đây, Bộ GD&ĐT đã quy định các trường đại học khi có dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xem xét thành lập thì phải triển khai thực hiện các cam kết trong dự án, phải có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ hữu của nhà trường thì mới được xem xét để cấp phép đào tạo các chuyên ngành” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho hay, với những ngành nghề đã có quy mô đào tạo lớn, Bộ cũng đã có cảnh báo, thông báo không cho mở nữa. Ví dụ khối kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, sư phạm. Cũng có những thông báo ưu tiên việc mở các ngành nghề mà nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của các địa phương cần.

Các điều kiện để thành lập trường, để mở ngành đào tạo được nâng cao và được kiểm tra thường xuyên. Bộ đã có quyết định xử lý hành chính đối với những trường không đủ điều kiện, cho đóng ngành, dừng chỉ tiêu tuyển sinh, để yêu cầu củng cố các điều kiện. Bộ đã chủ động rà soát và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực và định hướng phát triển kinh tế - xã hội; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu 450 sinh viên/1 vạn dân trước đây xuống còn trên 200 sinh viên/1 vạn dân cho phù hợp với khả năng, quy mô của mạng lưới.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương rà soát lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, dừng tiếp nhận các hồ sơ, nâng cấp thành lập mới các cơ sở giáo dục. Đã tạm dừng việc bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp cử nhân muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông, chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo với sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, các nhà sử dụng lao động và công bố các chuẩn "đầu ra" của từng chuyên ngành,... Hiện, Bộ đã thành lập 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ở Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh tham gia vào mạng lưới kiểm định quốc tế, tăng cường kiểm tra, thanh tra và rà soát việc này.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ LĐ-TB&XH thành lập trung tâm hỗ trợ đào tạo cung ứng nguồn nhân lực, nhằm cung cấp thông tin liên quan đến việc làm, thị trường lao động cũng giống như thị trường hàng hóa có người cung ứng, có người cần sản phẩm nhưng cũng cần các thiết chế, các kênh; tổ chức một số các hoạt động cùng nghiên cứu để thảo luận, phối hợp trong việc cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường và có những việc vượt thẩm quyền thì sẽ trình với Thủ tướng Chính phủ.

Trong các đề án, các chương trình hành động của Chính phủ, để thực hiện Nghị quyết 29, Thủ tướng Chính phủ đã ký một loạt các đề án giao cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo để xử lý những vấn đề liên quan đến cân đối đào tạo và sử dụng nhân lực của thị trường lao động./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực