Thay đổi nhận thức là khâu đột phá trong việc xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên

Thứ năm, 19/11/2015 09:08

(ĐCSVN) – “Vấn đề nhận thức là điểm quan trọng nhất trong việc xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên. Đây là khâu đột phá vào “thành trì vững chắc” ở các trường sư phạm. Thách thức lớn chúng ta phải vượt qua không phải ở năng lực và điều kiện của nhà trường mà chính là phải vượt qua sự cản trở của chính bản thân mỗi người”.

 PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng
Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên.
Ảnh: VA

Đó là chia sẻ của PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vấn đề đào tạo giáo viên hiện nay.

Phóng viên (PV): Năng lực của trường sư phạm thể hiện ở trình độ, năng lực của người giảng viên. Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên dựa vào yếu tố nào để công tác nâng cao năng lực giảng viên đi vào thực chất, hiệu quả, thưa ông?

Hiệu trưởng Phạm Hồng Quang: Phải nói rằng, yếu tố cốt tử để thành công trong việc thực hiện đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là người giáo viên. Từ khi Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ra đời, đặc biệt là sau Kết luận 242 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), Nhà trường đã có sự đổi mới mạnh mẽ.

Cơ sở quan trọng nhất đối với Trường là làm cho toàn bộ cán bộ, viên chức hiểu và thấy được trách nhiệm, rằng sự tồn tại của chính mình phải dựa trên chất lượng và chấp nhận sự cạnh tranh trong giáo dục hiện nay. Khi đã xác định được trọng tâm như vậy thì xây dựng thành nghị quyết của đảng ủy, xây dựng các đề án và chương trình hành động, trong đó Trường giữ vững mục tiêu nâng chất lượng đào tạo, giảm chỉ tiêu tuyển sinh, coi trọng chất lượng đầu ra.

Hiện nay, nhà trường đã đạt được chỉ tiêu 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên và hơn 100 người đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đây là cơ sở quan trọng, nhưng chỉ là mặt số lượng còn về mặt chất lượng, nhà trường rất coi trọng việc đào tạo lại giảng viên.

PV: Từ lâu nay vẫn nói nhiều đến nâng cao năng lực giảng viên, vậy cốt lõi của việc đổi mới công tác này tại Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên là gì, thưa Hiệu trưởng?

Hiệu trưởng Phạm Hồng Quang: Ban Giám hiệu trường chúng tôi luôn trăn trở một điều giảng viên sư phạm hiện nay còn đang thiếu cái gì? Một là ngoại ngữ và tin học là công cụ theo chuẩn quốc tế, hai là năng lực chuyên môn, tập trung vào năng lực phát triển chương trình năng lực đổi mới đánh giá, đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là giao tiếp giáo dục phổ thông. Ngoài kiến tập thực tập, trường còn xây dựng một đề án là đưa sinh viên xuống trường phổ thông rất sớm, ngay từ năm thứ nhất. Việc xây dựng hệ thống kết nối vệ tinh để các trường phổ thông như một cơ sở thực hành thường xuyên và điều này đã được World Bank đánh giá rất cao.

Với tinh thần chủ động như vậy, hiện Trường đang tập trung vào 2 việc chính: Một là xây dựng chương trình đào tạo giáo viên của tất cả các ngành. Hai là tập trung xây dựng đội ngũ, từ khâu tuyển dụng và lựa chọn để tìm được những giáo viên xuất sắc. Đồng thời bồi dưỡng và tôn vinh những giáo viên có thành tích cao. Cùng với đó, khâu sàng lọc, sa thải cũng đang từng bước được Trường triển khai. Tất cả muốn làm cho các thầy cô thấy rằng: Muốn tồn tại phải có chất lượng, nếu không sẽ bị đào thải.

PV: Vậy Nhà trường cũng cần có sự đổi mới cách làm chương trình đào tạo giáo viên như thế nào, thưa Hiệu trưởng?

Hiệu trưởng Phạm Hồng Quang: Ban Giám hiệu trường nhận thức về chương trình giáo dục cần phải có sự thay đổi quyết liệt về nguyên tắc, cách làm, xác định rõ những trở ngại chủ quan từ những người làm chương trình. Thứ nhất, giảm tri thức hàn lâm, tăng thực hành. Trong nhiều chương trình đào tạo trước đây người ta chỉ dành một khoảng thời gian cho sinh viên đi xuống các trường phổ thông, bây giờ dành rất nhiều. Ví dụ: Trước đây các môn Tâm lý học, Giáo dục học là các môn đinh của sư phạm chủ yếu giảng dạy ở giảng đường, bây giờ yêu cầu phải dành 10-30% thời lượng đưa sinh viên xuống trường THPT, sau đó mới quay về học tiếp, như vậy môn học đó gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Điều này giống như trường Y, học Bệnh học không phải trên mô hình mà học là phải xuống bệnh viện.

Thứ hai là tạo ra một hệ thống giáo viên gồm 2 nhóm chính là nhóm tự nhiên và nhóm xã hội. Nhóm tự nhiên tích hợp các thầy dạy môn lý, hóa, sinh, địa, các thầy vẫn đào tạo ra giáo viên dạy môn lý, hóa, sinh nhưng đồng thời các thầy phải đào tạo cho người đó một học vấn rộng để dạy các môn tự nhiên. Đối với các môn xã hội cũng thế, trước đây chỉ dạy riêng các môn nhưng giờ phải tích hợp để tạo ra học vấn cho một giáo viên sư phạm.

Hay nói cách khác và người giáo viên mới sẽ làm 2 việc: dạy cái nền chung và dạy thêm các môn khác trong nhóm của mình. 2 nhóm giáo viên này đòi hỏi cách thiết kế chương trình rất khéo léo. Đây không phải là phép cộng của 3 môn mà năng lực của giáo viên xã hội, giáo viên tự nhiên được nghiên cứu trước, công bố dưới dạng chuẩn đầu ra, công bố dưới dạng bậc 1 của chuẩn nghề nghiệp và như vậy khi sinh viên ra trường có thể thích ứng được.

Thứ ba là đòi hỏi giáo viên ngày càng có trách nhiệm nghề nghiệp, bằng việc nghiên cứu thông tin, tài liệu, sách giáo khoa với con mắt thiết kế để tạo ra một bài giảng mang tính chất tổng hợp chứ không phải như giai đoạn trước đây chỉ căn cứ vào sách giáo khoa, chỉ căn cứ vào tài liệu để dạy theo nó.

Một năng lực nữa của giảng viên sư phạm tới đây là năng lực phát triển chương trình; năng lực tổ chức dạy học và đánh giá; năng lực tự bồi dưỡng về học vấn giáo dục đại học; năng lực hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu. Đó là 4 năng lực vô cùng quan trọng của giáo viên sư phạm.

PV: Trong quá trình triển khai đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, Hiệu trưởng vấp phải những khó khăn gì và biện pháp khắc phục?

Hiệu trưởng Phạm Hồng Quang: Theo tôi, vấn đề nhận thức là điểm quan trọng nhất trong việc xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên. Đây là khâu đột phá vào “thành trì vững chắc” ở các trường sư phạm. Thách thức lớn chúng ta phải vượt qua không phải ở năng lực và điều kiện của nhà trường mà chính là phải vượt qua sự cản trở của chính bản thân mỗi người. Chỉ khi nào tất cả giảng viên thông hiểu, nhận ra giá trị đích thực của sự thay đổi chương trình và quyết tâm thực hiện thì mới có thể bắt tay vào thực hiện các khâu đồng bộ. Và, cũng chỉ khi nào sản phẩm là chương trình chi tiết thể hiện rõ mục tiêu của chương trình (dưới dạng có thể đánh giá được) và được người sử dụng nguồn nhân lực nghiệm thu thì tính khả thi mới được chấp nhận.

Quy trình và cách làm chương trình phải nhất quán và động bộ giữa quản lý và chuyên môn; giữa chỉ đạo của chuyên gia và nhóm nghiên cứu; giữa các khoa chuyên môn với nhau; giữa việc phân tích tình hình giáo dục phổ thông với định hướng đổi mới; giữa lý thuyết về chương trình với nội dung khoa học; giữa hiểu biết của giảng viên về khoa học giáo dục với kinh nghiệm chuyên môn…

Một vấn đề nữa là cần đầu tư lớn hơn cho các cơ sở đào tạo giáo viên; rà soát lại năng lực giảng viên để bồi dưỡng, trọng tâm là các năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học giáo dục; bồi dưỡng giảng viên 100% ở nước ngoài ít nhất 5 năm/lần; yêu cầu tất cả giảng viên phải tham gia đổi mới giáo dục phổ thông theo yêu cầu của chương trình mới; xây dựng chương trình cử nhân sư phạm chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế với mục tiêu đào tạo giảng viên sư phạm cho cả nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Hiệu trưởng!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực