Về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thứ ba, 17/06/2014 11:25

(ĐCSVN) - Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa là công việc quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục phổ thông, theo chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Mấy tháng qua đã có nhiều ý kiến đề xuất và bàn luận về vấn đề này, trong đó có những ý kiến khác nhau, nhiều chiều.

Điều đó cũng là dễ hiểu, vì trước một vấn đề mới và khó, mỗi cơ quan, mỗi người có thể có góc nhìn riêng, cách suy nghĩ và phương pháp tiếp cận khác nhau…, vì vậy, ý kiến khác nhau là không tránh khỏi. Đáng mừng là trong xã hội có rất nhiều người tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục. Nhân đây, tôi xin phép trình bày mấy ý kiến để bạn đọc và nhất là các anh chị đang làm công tác nghiên cứu và quản lý giáo dục tham khảo.

 

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Việt Anh/dangcongsan.vn

Chương trình là một công cụ sư phạm quan trọng nhất

Chương trình giáo dục phổ thông, theo cách hiểu của tôi, đó là một công cụ sư phạm quan trọng nhất để người thầy dùng nó, dựa vào nó mà tác động vào học sinh nhằm đạt được mục tiêu giáo dục. Chương trình chủ yếu để cho người viết sách giáo khoa và thầy giáo sử dụng. Lâu nay chương trình giáo dục phổ thông chủ yếu được xây dựng theo cách tiếp cận nội dung giảng dạy, nhằm truyền thụ kiến thức cơ bản cho học sinh, thậm chí càng nhiều càng tốt, chủ yếu xuất phát từ cách suy nghĩ, vốn kiến thức và mong muốn của người thầy. Nay đổi mới, chương trình nên xây dựng theo cách tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực học sinh. (Tôi dùng chữ năng lực ở đây là nói năng lực Người, tức là bao gồm cả phẩm chất, nói cách khác đó chính là nhân cách người học). Thế chẳng lẽ chương trình giáo dục không cần giải quyết vấn đề cung cấp kiến thức hay sao? Không phải thế! Đương nhiên vẫn có truyền thụ kiến thức, nhưng với cách tiếp cận khác. Để có năng lực rất cần kiến thức, nhưng kiến thức chưa phải là mục tiêu cuối cùng, chưa phải sản phẩm cuối cùng, mà năng lực mới là sản phẩm cuối cùng, mặt khác, thời nay kiến thức rất mênh mông và liên tục có bổ sung, đổi mới, cần chuẩn bị cho học sinh năng lực tiếp cận, biết tự học, tự trang bị kiến thức suốt đời. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và kỳ diệu, có khả năng làm thay đổi phương thức hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo lập phương thức phát triển mới, con người hoàn toàn có thể tự tìm kiếm, lựa chọn kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi, tự trang bị cho mình những gì mình thấy thật sự cần thiết, nhằm phát triển tối đa thế mạnh riêng của mỗi người, trong mối quan hệ với phát triển toàn diện con người. Chương trình giáo dục phổ thông vẫn cần giải quyết vấn đề truyền thụ kiến thức, nhưng chủ yếu là giới thiệu những kiến thức rất cơ bản, cốt lõi. Đã cốt lõi thì không nhiều, không mênh mông dàn trải. Đã dàn trải thì chưa phải cốt lõi. Còn lại việc chủ yếu là giúp học sinh cách tiếp cận vấn đề, kể cả cách tiếp cận nguồn kiến thức phong phú và đa dạng, cách phân tích, tổng hợp, luận giải, và nhất là cách giải quyết vấn đề. Có những kết quả nghiên cứu cho rằng, tự học tiếp thu được nhiều hơn (thậm chí gấp đôi) so với nghe giảng; và trực tiếp tham gia hoạt động cụ thể qua công việc sẽ tiếp thu nhiều hơn nữa (cũng gấp đôi) so với tự học trong sách vở. Việc hướng dẫn cho học sinh tự học, và việc tổ chức các hoạt động học, thông qua công việc thực tế để học là vấn đề rất quan trọng trong chương trình giáo dục mới.

Nên có nhiều bộ sách giáo khoa

Còn sách giáo khoa? Sách giáo khoa cụ thể hóa chương trình, tuân thủ chương trình, bám sát chương trình, thể hiện chương trình, để thực hiện chương trình. Việc thi kết thúc môn học, khóa học sẽ thực hiện theo chương trình chứ không phải theo sách giáo khoa. Nếu chương trình nằm ở vị trí gần hơn với thầy giáo, là công cụ sư phạm của thầy giáo, thì sách giáo khoa nhích hơn (so với chương trình) về phía học sinh, để giúp học sinh khi cần có thể tự học trong lúc không có thầy hướng dẫn, vừa là công cụ sư phạm để người thầy tác động vào học sinh, vừa là công cụ mà học sinh có thể tự sử dụng để nâng cao tri thức và năng lực. Có thể coi sách giáo khoa nằm ở vị trí giữa người thầy và học sinh.

Một chương trình có thể và rất nên có nhiều bộ sách giáo khoa. Trước đây đã có quy định một chương trình một bộ sách giáo khoa do nhà nước ban hành. Việc này nên đổi mới, mà nên làm sớm, làm ngay chứ không nên kéo dài nữa. Có thể đề nghị cấp có thẩm quyền cho sửa lại quy định, chấp nhận một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Nói nhiều bộ sách giáo khoa không có nghĩa là quá nhiều, mà cần có giới hạn một số lượng nhất định. Nhà nước phê duyệt và ban hành chương trình, sau đó các cơ sở đào tạo sư phạm, các nhà giáo, nhà khoa học có thể tham gia viết sách giáo khoa, nhà nước lập ra một Hội đồng khoa học để thẩm định bộ sách nào đạt yêu cầu theo đúng chương trình nhà nước đã ban hành thì mới cho sử dụng trong hệ thống trường phổ thông. Trong số các bộ sách đạt tiêu chuẩn, dùng bộ nào để học thì do các thầy giáo phụ trách môn học và tập thể bộ môn lựa chọn trên cơ sở xem xét chất lượng tốt nhất. Với cách làm như vậy sẽ ngày càng có những bộ sách tốt hơn, do không còn độc quyền mà có sự thi đua về chất lượng. Việc làm sách giáo khoa nên xã hội hóa, chứ không phải nhà nước trực tiếp làm bằng nguồn tài chính của ngân sách bỏ ra, sẽ không phải tốn nhiều như thông tin chúng ta đã biết. Muốn làm vậy, việc ban hành chương trình phải đi trước. Lâu nay không ít trường hợp viết chương trình và sách giáo khoa đồng thời cùng lúc, thậm chí cá biệt có trường hợp viết sách giáo khoa trước, còn chương trình chỉ là hình thức, ghi lại để hợp thức hóa. Lần này nên quyết tâm đổi mới quy trình làm chương trình và sách giáo khoa.

Mặt khác, khuyến khích sách giáo khoa điện tử, gọn nhẹ mà chứa đựng được dung lượng lớn, hằng năm hoặc vài năm có thể bổ sung, điều chỉnh sách giáo khoa, nhằm cập nhật nhanh nhất thông tin mới. Xu hướng chung là “vòng đời” của sách giáo khoa sẽ ngắn lại nếu như muốn cập nhật được kiến thức mới nhất. Sách giáo khoa truyền thống có trở ngại cho việc này, bởi vì khi thay sách nhanh sẽ gây tốn kém lớn.

Khác với những công cụ lao động cơ khí, loại công cụ lao động này (chương trình và sách giáo khoa) xuất phát từ yêu cầu luôn luôn động của đối tượng lao động (là học sinh). Đối tượng này là những con người, có văn hóa khác nhau, gắn với văn hóa dân tộc và cộng đồng, vừa có cái chung phổ quát vừa có đặc điểm riêng. Vì vậy, chương trình sách giáo khoa cần phải có độ mở nhất định tùy theo môn học, cấp học, vùng miền. Mặc khác, chương trình giáo dục nói chung là không nên nhập khẩu mà cần phải làm ra sản phẩm của Việt Nam, để phù hợp với đối tượng học sinh, và chính trong quá trình sản xuất sáng tạo ấy mà phát triển tri thức trên lĩnh vực khoa học giáo dục nước nhà.

Nên phân luồng mạnh sau trung học cơ sở

Việc thiết kế chương trình liên quan trực tiếp đến thiết kế hệ thống, làm rõ nhiệm vụ, yêu cầu của mỗi cấp học. Kết thúc phổ thông cơ sở cần giải quyết cơ bản xong yêu cầu kiến thức và năng lực phổ thông, để sau đó học sinh có thể đi học ngành nghề nào đó rồi ra trường làm việc chứ không nhất thiết phải tiếp tục học lên trung học phổ thông. Nên phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Đồng thời cần lưu ý yêu cầu sau này khi những người có trình độ trung cấp nghề nghiệp muốn và đủ điều kiện học lên tiếp cao đẳng, đại học thì có thể chuyển tiếp liên thông. Xử lý việc này liên quan cùng lúc đến chương trình trung cấp nghề nghiệp và trung học phổ thông, sự thiết kế liên thông lên đại học nghề nghiệp, đại học nghiên cứu, liên quan đến công việc liên ngành, liên bộ, nên cần Chính phủ phải chủ trì.

Trung học phổ thông là giai đoạn chuyển tiếp từ phổ thông lên đại học. Giai đoạn chuyển tiếp thì không nhất thiết phải kéo dài đồng loạt đến 3 năm và nên cho học sinh tự chọn các môn học. Đầu cấp học cần giành thời lượng đáng kể để học sinh tiếp cận ban đầu với nghề nghiệp tương lai, để có thể hình dung sơ bộ về nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Trên cơ sở đó, học sinh chọn môn học phù hợp. Trung học phổ thông tiến đến học theo tín chỉ, học phần. Học và thi xong số tín chỉ theo quy định sẽ kết thúc phổ thông, học sinh yếu hơn có thể học kéo dài đến 3 năm, học sinh khá có thể kết thúc trong 2 năm. Trước đây, ở Việt Nam đã học hệ 11 năm, gồm vỡ lòng và từ lớp 1 đến lớp 10. Phần lớn các nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam đã học phổ thông theo hệ 11 năm này. Do phương pháp tiếp cận của chương trình là tiếp cận nội dung cung cấp kiến thức, học thuộc và ghi nhớ nên 12 năm vẫn thấy không đủ, thậm chí 13 – 14 năm cũng không đủ, vẫn nặng nề về dung lượng. Nay đổi mới cách tiếp cận, tác động vào phát triển năng lực, hướng đến tự học, tự cập nhật kiến thức thường xuyên, suốt đời, thì số năm học có thể giảm bớt một, như thực tế trước đây, như một số nước đã và đang thực hiện. Theo cách đó, hằng năm nước ta có thể tiết kiệm thời gian 1 năm của gần 1 triệu người ở lứa tuổi sung sức (tổng số khoảng 1 triệu năm/người).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực