Xung quanh chuyện học sinh “né” thi tốt nghiệp môn Sử

Thứ hai, 24/03/2014 15:05

(ĐCSVN)- Thêm một lần nữa chuyện học sinh “quay lưng” với môn Sử lại được “sới” lên trên các diễn đàn khi thông tin có quá ít học sinh lớp 12 lựa chọn môn Sử thi tốt nghiệp. Có nhiều ý kiến trái chiều nhau và tỏ ra lo ngại trước thực trạng này. Tuy vậy, cần phải có cái nhìn khách quan, công bằng trước sự lựa chọn thi cử của các em học sinh hiện nay.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tiến hành đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng học sinh được tự chọn 2 trong số 4 môn thi. Qua khảo sát do các trường công bố thì tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Sử luôn thấp nhất, điển hình như Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) không có học sinh nào đăng ký thi tốt nghiệp môn Sử; Trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) có duy nhất 1 học sinh; Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Hồ Chí Minh) chỉ có 2% học sinh chọn thi môn Địa và Sử…

Qua việc học sinh không lựa chọn môn Sử thi tốt nghiệp, người thì cho rằng học sinh “quay lưng” với môn Sử, coi thường môn Sử; người thì cho rằng điều này phù hợp với xu hướng chọn nghề nghiệp của học sinh.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: VA


Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kiêm Phụ trách chuyên môn của Trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) lý giải: Thi cử luôn là một thách thức và nhiệm vụ nặng nề với bất kỳ học sinh nào. Nên khi được chọn, một cách tự nhiên các em sẽ chọn môn thi ít thách thức hơn, ít nặng nề hơn và là môn sở trường của mình. Việc số học sinh đăng ký thi môn Lịch sử ít chưa thể kết luận được là học sinh chán môn học này. Giả sử, Bộ cho chọn thêm cả môn Ngữ Văn thì chưa chắc số học sinh đăng ký thi Ngữ Văn sẽ nhiều hơn Lịch sử! Và điều đó không đồng nghĩa với việc học sinh không thích văn chương.

“Nếu nói là chán học thì không phải học sinh chán mỗi môn Sử đâu, mà còn những môn khác nữa. Bao giờ việc học không chỉ đơn thuần phục vụ cho thi cử thì các em mới thôi chán học và thôi ghét thi. Học phải là đòi hỏi nội tâm chứ không phải do hô hào thì việc học mới thực sự có kết quả và đem lại hạnh phúc. Nếu cứ giữ quan điểm là phải bắt học sinh phải học, phải thi vì sự “quan trọng” của một môn nào đó thì việc học tiếp tục bị méo mó. Tri thức của bất cứ môn học nào cũng đáng trân trọng và quan trọng như nhau. Một nền giáo dục vận hành chỉ vì chuyện thi cử thì đó là một nền giáo dục thất bại! Không phải tự nhiên mà nền giáo dục Phần Lan phát triển mạnh mẽ đến mức kinh ngạc và ở Phần Lan, nếu ở cấp hai mà tổ chức bất cứ kỳ thi nào đều là phạm pháp” – thầy giáo Đào Tuấn Đạt bày tỏ quan điểm.

Còn về phía học sinh, hỏi nhanh em Phạm Phương Thảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) – một trong số ít những học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử đã chia sẻ: Em rất thích học môn Sử, với em môn Lịch sử đã “ngấm vào máu”  từ lúc nào không hay. Có thể vì em có điều kiện và được thừa hưởng từ gia đình khi có nhiều người thân là giáo viên dạy Sử và chọn khối C để thi đại học. Thực tế, phương pháp học Sử bây giờ không còn khô khan như trước, không còn chỉ biết cầm quyển sách lên và đọc mà có thể nghe đài, báo cũng có thể nhớ sự kiện dễ dàng hơn.

“Quan điểm của em về tình yêu đất nước là không cần phải nói miệng rằng tôi rất yêu nước tôi hay tôi tự hào là người Việt Nam, mà chỉ cần người đó hiểu được dân tộc mình, đất nước mình, hiểu mình đang sinh sống ở một nơi như thế nào. Nên đừng quy chụp học sinh chúng em không chọn thi Sử là không yêu quê hương, đất nước” – Phương Thảo cho hay.

Còn vì sao học sinh “né” thi Sử, theo Phương Thảo thì đó là chuyện bình thường vì các bạn cho rằng môn Lịch sử khô khan, nhiều mốc, nhiều sự kiện, nhiều nhân vật nên khó học, khó nhớ mà không phải giáo viên nào cũng có phương pháp dạy hiệu quả để học sinh tiếp cận môn học được dễ dàng. Hơn nữa, lượng kiến thức nhiều trong khi phải bao quát rộng, nhiều sự kiện, dẫn chứng mới có thể làm bài tốt. Rồi thì không phải ai cũng có phương pháp học tập hiệu quả tạo sự hứng thú với môn học này nên kết quả thi sẽ không cao, ai cũng sợ điều đó. Thêm nữa, các bạn đã có hướng ngành nghề của mình sau này cho nên sẽ dành nhiều hơn cho các môn học liên quan.

Thực tế khách quan, nhiều học sinh "bật mí" các môn thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm có phần dễ “ăn điểm” hơn những môn thi tự luận. Với suy nghĩ có phần thực dụng đó nên học sinh ưu tiên đăng ký thi các môn trắc nghiệm như: Lý, Hóa, tiếng Anh, kể cả đối với những học sinh thi đại học khối C.

Phân tích sâu thêm về việc học sinh “né” Sử, PGS-TS Vũ Quang Hiển - giảng viên Khoa Lịch sử- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, hiện chương trình giảng dạy môn Lịch sử tại trường phổ thông khá nặng, sách giáo khoa viết chưa hay, chưa hấp dẫn. Sách giáo khoa phổ thông nhưng viết theo lối hàn lâm, không phù hợp với tâm lý học sinh, khiến cho không chỉ học sinh mà ngay cả nhiều thầy cô dạy Sử cũng “nản”. Cộng thêm đó là thói quen khó bỏ của nhà trường Việt Nam là bắt học sinh thuộc lòng, ghi nhớ kiến thức mà không nghiêng về kiểm tra năng lực của học sinh về nhận thực, tư tưởng, tình cảm.

Một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới việc học sinh chán học Sử hiện nay là do đội ngũ giáo viên giảng dạy Lịch sử ít có điều kiện đầu tư cả về kiến thức và công nghệ để nâng cao chất lượng bài giảng do phải vật lộn với công cuộc mưu sinh. Mặt khác, cũng chính vì tâm lý “môn phụ” mà xã hội đang gắn cho Lịch sử cũng khiến cho nhiệt huyết, nhiệt tình giảng dạy của một bộ phận giáo viên bị bào mòn theo thời gian.

PGS-TS Vũ Quang Hiển gợi ý, vậy nên không thể đổ lỗi chán học Lịch sử cho học sinh, hơn ai hết học sinh Việt Nam hiểu rằng lịch sử Việt Nam có được là nhờ máu xương mà cha ông ta đã đổ hàng bao thế hệ; mà trách nhiệm này thuộc về Bộ GD&ĐT, về những nhà quản lý giáo dục, về các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa, cũng như đội ngũ thầy cô giáo. Giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ đang lớn lên là lương tâm và trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Thầy Đào Tuấn Đạt thì đề xuất muốn học sinh yêu thích môn Sử là cần trả lại sự “trong sáng” cho việc học môn Sử. Học không phải để thi rồi quên. Sách giáo khoa và thầy cô giáo đừng là người kể chuyện lịch sử tồi. Hãy tìm cách kể các câu chuyện về lịch sử sao cho hấp dẫn và chân thực. Tuyệt vời nhất là tạo không gian cho các em đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi của họ về lịch sử, để lịch sử tự kể câu chuyện của nó hơn là kể đã không hay lại bắt các em phải nghe./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực