Ý kiến của các chuyên gia giáo dục về kỳ thi THPT quốc gia

Thứ sáu, 12/09/2014 21:04

(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia. Đổi mới căn bản, quan trọng nhất của công tác tổ chức kỳ thi quốc gia là để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Trước những đột phá của kỳ thi này, các chuyên gia giáo dục nói gì?

 

 GS. Đào Trọng Thi

GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu điều chỉnh hợp lý để khắc phục những trục trặc phát sinh.

Với tư cách cá nhân và là một chuyên gia lâu năm trong ngành giáo dục, tôi đã từng đề xuất nên thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng và tiến tới làm bài kiểm tra tốt nghiệp cuối năm lớp 12 là đủ. Việc này sẽ do Sở GD&ĐT địa phương đảm nhận chứ không tổ chức “rình rang” như mọi năm nữa. Còn kỳ thi chung nên tập trung cho mục tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ bởi cần đánh giá năng lực chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, phương án thi quốc gia mới mà Bộ GD&ĐT vừa công bố không khác nhiều về môn thi so với thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, mà hình thức tổ chức thì còn có nhiều điểm bất cập.

Ở một chừng mực nào đó, phương án này có hướng ưu tiên cho mục tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Bởi vì, các trường ĐH, CĐ đã có quyền tự chủ quyết định sử dụng hoặc không sử dụng kết quả thi này. Do vậy, kỳ thi quốc gia mà chúng ta tổ chức ở quy mô toàn quốc muốn cung cấp căn cứ đáng tin cậy để được các trường ĐH, CĐ chấp nhận thì phải được tổ chức với những ưu điểm hiện có về tính nghiêm túc, tính trung thực của kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ chứ không phải hình thức tổ chức của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị dư luận đánh giá là lỏng lẻo như hiện nay.

Điều tôi lo ngại đó là việc tổ chức thi theo cụm do các trường ĐH, CĐ coi thi và chấm thi. Trước đây, chúng ta đã từng giao cho các trường ĐH, CĐ đứng ra coi thi, chấm thi và kết quả nghiêm túc hơn, đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, đây sẽ là con dao hai lưỡi vì nhiều khả năng, kết quả thi ở những cụm thi này sẽ thấp hơn rất nhiều so với các cụm thi do các địa phương tổ chức. Và liệu chúng ta có thể xét công nhận tốt nghiệp THPT cho những em có điểm số thấp hơn nhiều so với điểm trung bình được không?

Không chỉ vậy, việc tổ chức các cụm thi địa phương có nguy cơ gia tăng tính lỏng lẻo của kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây. Chẳng hạn dễ xảy ra tình huống thí sinh dự thi tại các cụm thi do địa phương tổ chức sẽ được “thả lỏng” so với các cụm thi do trường ĐH, CĐ chủ trì. Điều này rất mạo hiểm và thể hiện điểm “xộc xệch” của phương án thi mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Tôi hiểu Bộ GD&ĐT đã cố gắng thực hiện được ý tưởng đổi mới nhưng chưa thể hiện được tính hợp lý của nó vì Bộ cố ghép hai mục tiêu vào trong một kỳ thi. So với phương án ban đầu thì phương án vừa công bố có thay đổi đáng kể về tổ chức thi, có lẽ do áp lực của các trường ĐH, CĐ không tin tưởng vào kết quả thi do các địa phương tổ chức nên muốn phải đích thân đứng ra tổ chức coi thi và chấm điểm, từ đó mới có chuyện xuất hiện 2 loại cụm thi. Đây thực sự có thể trở thành lỗ hổng của phương án này. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã công bố chính thức nên hy vọng Bộ cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh hợp lý để khắc phục những trục trặc phát sinh.

 

 TS. Nguyễn Tùng Lâm

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Liệu có sự phân biệt đối xử giữa các thí sinh?

Tôi đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi ngay từ đầu năm học để học sinh bớt hoang mang. Đây là phương án tương đối ổn định, giống như năm ngoái học sinh vẫn phải thi môn bắt buộc và chọn môn thi, như thế đối với học sinh không có gì khó khăn và bất ngờ. Đấy là điểm lớn tôi cho là được sự đồng tình của giáo viên, học sinh, xã hội.

Trong cách thức tổ chức thi mà phương án đề ra đã có sự cải tiến để đảm bảo độ tin cậy, bằng cách chia thành nhiều khu vực, cụm thi để cho trường ĐH trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, hiện nay kỳ thi quốc gia cùng một đề nhưng lại chia làm 2 loại học sinh, một loại học sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì dồn vào khu vực, thi theo cụm. Còn học sinh không thi ĐH, CĐ lại thi tại địa phương, như thế có sợ phân biệt đối với học sinh hay không? Bộ để cho học sinh tự thi rồi mới nộp hồ sơ vào trường ĐH, đó là một cải tiến tốt. Sau khi học sinh thi xong biết được năng lực của mình rồi mới nộp hồ sơ vào trường. Học sinh sẽ cân nhắc và sẽ có hiệu quả hơn.

Những học sinh, thí sinh thi ở địa phương nếu thi được điểm cao thì sao, liệu có được thi vào ĐH nữa không? Quan điểm của tôi nên tập trung thi theo cụm, thi theo tỉnh chứ hiện nay 20-30 cụm thi thì lớn quá. Ở một tỉnh, nhưng có huyện xa phải về tỉnh thi cũng phải đi mấy trăm cây số.

Một vấn đề nữa đặt ra, hiện nay việc dạy ở trường học phổ thông gặp nhiều khó khăn, học sinh chỉ chọn những môn để thi, chứ còn những môn các em không thi thì học sao đây? Trách nhiệm giáo viên phổ thông vẫn phải dạy toàn diện các môn. Nếu như học sinh bắt buộc học 3 môn thì phải học rồi, còn những môn không thi như môn Sử thì tâm lý học sẽ ra sao. Như vậy giáo viên dạy sẽ rất vả.

Theo tôi, riêng lớp 12 năm nay, để tránh học lệch cho học sinh, hết học kỳ 1, Bộ GD&ĐT phải có bộ đề thi 8 môn đưa cho các trường. Một là truyền được thông điệp đổi mới thi cử thế nào, những đề ra dạng mở rộng ra sao? Thêm nữa để học sinh thi hết sức tự giác, để tự đánh giá năng lực của mình và từ đó học sinh sẽ lựa chọn môn thi phù hợp. Như vậy, cũng kéo học sinh phải học toàn diện, đấy cũng là điểm đánh giá toàn diện trước khi xét tốt nghiệp.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viên Bưu chính viễn thông: Nếu trường ĐH nào cũng tổ chức thi thêm sẽ khiến kỳ thi trở nên nặng nề hơn.

Theo tôi đây là phương án tối ưu trong thời điểm hiện tại. Phương án này không chỉ bảo đảm đúng quy định trong Luật mà các môn thi cũng hợp lý, đồng thời cách tổ chức bảo đảm cho chất lượng kỳ thi. Thêm nữa, phương án môn thi này khá ổn định so với kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, tạo tâm lý ổn định cho học sinh và các thầy cô giáo tham gia giảng dạy.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng uyển chuyển khi quy định thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không  bảo đảm chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

Về tổ chức thi, quan điểm của tôi là việc tổ chức thi nên giao cho các trường ĐH tin cậy làm Chủ tịch hội đồng hoặc Chủ tịch khu vực thi. Bởi vì cuộc thi này không chỉ có ý nghĩa xét tốt nghiệp mà còn là cơ sở tin cậy để các trường yên tâm lấy kết quả xét tuyển, không phải tổ chức thi thêm nữa; nếu trường nào cũng tổ chức thi thêm để lựa thí sinh sẽ khiến kỳ thi trở nên nặng nề hơn. Tất nhiên, ngoài việc các trường ĐH đảm nhiệm vai trò chủ trì, vẫn phải có sự tham gia của Sở GD&ĐT, giáo viên các trường THPT.

Một vấn đề nữa rất quan trọng là Bộ GD&ĐT phải đưa ra được Quy chế tuyển sinh cho năm 2015 một cách chi tiết để giải quyết một loạt các vấn đề cụ thể.

Với phương án thi chung, thí sinh sẽ được tạo thuận lợi tối đa, ví dụ như quy định cho thí sinh đăng ký vào trường sau khi biết điểm thi; yêu cầu các trường công bố phương án thi sớm.Trước ngày 1/1 hằng năm, các trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Việc yêu cầu trường công bố điểm trước cũng tương tự như cách thức xét tuyển các nguyện vọng bổ sung hiện nay. Nếu một thí sinh chỉ được 15 điểm nhưng trường em yêu thích lại lấy 18 điểm, thí sinh đó sẽ đi tìm cơ hội ở một trường khác, từ đó, cơ hội đỗ ĐH sẽ cao hơn nhiều. Có điều, với quy định này, các trường ĐH vẫn có thể gặp phải khó khăn vì thí sinh ảo.

Để giảm bớt khó khăn cho các trường, theo tôi, có thể Bộ GD&ĐT cho phép trường tuyển sinh liên tục và quy định trong quy chế tuyển sinh cũng phải thay đổi, phải rất chi tiết để tạo điều kiện cho các trường./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực