Theo ông Phạm Văn Hiền- Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện công tác Công đoàn ở cơ sở, gần gũi người lao động (NLĐ) và tiếp cận rất nhiều vụ việc liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, cho thấy dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần tăng thẩm quyền của cơ quan BHXH nhiều hơn nữa.
Ông Hiền phân tích, là cơ quan chính thực hiện chức năng quản lý thu, chi quỹ BHXH, BHYT; giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ thường xuyên, trực tiếp nhưng thẩm quyền của cơ quan BHXH chưa nhiều. Đặc biệt, thời gian qua, tình hình nợ BHXH ngày càng tăng cao, nhưng việc xử lý của cơ quan BHXH đối với đơn vị, DN vi phạm chưa thể triệt để, chưa đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của NLĐ.
|
Ông Phạm Văn Hiền- Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.Hồ Chí Minh đề xuất tăng thêm thẩm quyền cho cơ quan BHXH . Ảnh: TL. |
“Theo tôi, cần tăng thêm thẩm quyền cho cơ quan BHXH mạnh mẽ hơn nữa”- ông Hiền đề xuất.
Cũng theo ông Phạm Văn Hiền, việc DN nợ BHXH không thể thu hồi không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ mà còn khiến họ mất niềm tin vào chính sách. Do đó, cần bổ sung quy định phong tỏa tài khoản, đình chỉ giấy phép kinh doanh và tiến hành khởi kiện đối với DN nợ BHXH trên 3 tháng để tăng tính răn đe.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (quận 7, TP.Hồ Chí Minh cho rằng không nên chờ khi DN nợ BHXH trên 6 tháng mới xử lý mà cần có biện pháp tức thời ngay khi phát sinh nợ vì để càng lâu, nợ BHXH càng nhiều, NLĐ càng thiệt thòi quyền lợi.
Đề cập đến quy định quyền khởi kiện về BHXH, ông Dương Văn Thuận, cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh, kiến nghị cần làm rõ là khởi kiện ai, kiện người sử dụng lao động (NSDLĐ) hay cơ quan BHXH? Theo ông Thuận, đối tượng bị kiện là cơ quan BHXH sẽ phù hợp hơn bởi đây là nơi được pháp luật giao trách nhiệm thu, chi BHXH; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ BHXH đầy đủ, đúng thời hạn và quyền của NLĐ là được nhận các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, thuận tiện. Vì vậy, trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ bị ảnh hưởng thì NLĐ có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho Công đoàn hay tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở khởi kiện cơ quan BHXH ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
|
Công nhân một doanh nghiệp tại quận 12, TP.Hồ Chí Minh khốn đốn khi chủ doanh nghiệp nợ BHXH bỏ trốn. Ảnh minh họa. Nguồn: TL. |
Ông Nguyễn Văn Hùng- đại diện LĐLĐ quận Bình Tân cho biết, tại quận Bình Tân, khi chuyển hồ sơ DN vi phạm qua cơ quan Công an thì không xử lý được. Vì vậy, Luật BHXH lần này nên quy định rõ thế nào là trốn đóng, chậm đóng BHXH để cơ quan BHXH, cũng như các ngành chức năng dễ áp dụng, cơ quan Công an cũng dễ xử lý.
Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Chí Tâm- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh nêu thực tế, hiện nhiều DN đang tham gia BHXH cho NLĐ với mức khá thấp, chỉ đóng tiệm cận trên mức tối thiểu vùng. Nhiều DN còn “chẻ” lương thành nhiều khoản, lương thực tế vài chục triệu đồng, nhưng đóng chỉ khoảng 5 triệu đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ sau này. Vì vậy, theo ông Tâm, việc quy định chặt chẽ sẽ giúp các DN tuân thủ luật đóng tốt, đúng mức thu nhập cho NLĐ, hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Ngoài ra, một số đại biểu khác cũng bày tỏ sự đồng tình trước việc quy định Công đoàn có thể đứng ra khởi kiện DN nợ đọng BHXH, tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các quy định tại các luật khác./.