Gạt bỏ khác biệt, cùng hướng tới một hệ thống quản trị toàn cầu mở, minh bạch

Thứ tư, 25/09/2024 10:14
(ĐCSVN) - Hội nghị đã thông qua Tuyên bố báo chí của Nhóm, kêu gọi các quốc gia gạt bỏ khác biệt, cùng hướng tới một hệ thống quản trị toàn cầu mở, minh bạch, kịp thời giải quyết các thách thức chung.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nhóm 3G năm 2024 

Sáng 23/9 theo giờ địa phương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nhóm 3G năm 2024, được tổ chức bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại New York.

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Hội nghị thu hút sự tham dự của Bộ trưởng ba nước Troika G20 (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi - lần lượt là Chủ tịch G20 các năm 2023, 2024 và 2025) và nhiều Bộ trưởng, đại diện cao cấp từ 30 nước thành viên Nhóm 3G.

Các đại biểu đánh giá cao việc Brazil trong vai trò Chủ tịch G20 lần đầu tiên đã mời tất cả các thành viên Liên hợp quốc tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, ghi nhận đây là sáng kiến rất có ý nghĩa, góp phần gắn kết chương trình nghị sự của G20, với Liên hợp quốc, cũng như lan tỏa thông điệp đề cao tính mở, bao trùm của chủ nghĩa đa phương.

Hội nghị hoan nghênh và khẳng định cam kết cùng phối hợp triển khai, hiện thực hóa kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai. Nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về cải cách các thể chế quản trị toàn cầu, đặc biệt là các cơ chế của Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển đa phương và các định chế tài chính quốc tế, để huy động hiệu quả nguồn lực cho các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các thách thức trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá cao Singapore tiếp tục tổ chức Hội nghị Nhóm 3G, đồng thời bày tỏ ủng hộ Brazil trên cương vị Chủ tịch G20 năm 2024, nhất là các ưu tiên về phát triển bền vững, hành động khí hậu, gia tăng tiếng nói, quyền lợi của các nước đang phát triển Nam Bán cầu.

Chia sẻ về ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão Yagi vừa qua đối với nền kinh tế và người dân Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị G20 cần tiếp tục tập trung ưu tiên các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó các nước G20 cần đi đầu trong việc cắt giảm phát thải, hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thích ứng, gia tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh cần thúc đẩy cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu trên cơ sở bảo đảm công bằng, bao trùm, gắn kết nỗ lực của G20 với việc triển khai hiệu quả các cam kết vừa đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố báo chí của Nhóm, kêu gọi các quốc gia gạt bỏ khác biệt, cùng hướng tới một hệ thống quản trị toàn cầu mở, minh bạch, kịp thời giải quyết các thách thức chung.

* Trước đó, vào chiều ngày 22/9, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã có buổi làm việc với ông Selwin Hart, Trợ lý, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Chuyển đổi năng lượng.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã chia sẻ về các nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua nhằm hiện thực hoá mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tiến độ thực hiện các dự án trong khuôn khổ Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các cơ quan của Liên hợp quốc và các đối tác tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, bền vững, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng. Trợ lý Tổng Thư ký Selwin Hart đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh; cam kết tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy các đối tác ưu tiên nguồn lực hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả JETP.

Vào tháng 1/2010, Singapore công bố sáng kiến thành lập Nhóm Quản trị Toàn cầu (Nhóm 3G), là kênh đối thoại để các nước vừa và nhỏ truyền tải thông điệp, giúp chương trình nghị sự G20 trở nên toàn diện, bao trùm và hiệu quả hơn, phản ánh kịp thời nhu cầu của các nước đang phát triển. Nhóm 3G thường tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hàng năm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực