Hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN

Chủ nhật, 26/09/2010 15:12

(ĐCSVN)Tại ngày làm việc thứ hai của APF 6, các đại biểu tiếp tục tham gia thảo luận, đưa ra các khuyến nghị nhằm góp ý cho chính phủ các nước ASEAN trên các lĩnh vực giảm nghèo, an sinh xã hội; quyền của người lao động di cư; quyền con người và dân chủ; tài nguyên thiên nhiên và môi trường nước…

Hội thảo “Tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và nước”

 

Hội thảo "Tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và nước" thu hút sự quan tâm
của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế
(Ảnh: Nguồn LHCTCHNVN)


Từ nhiều thập kỷ nay, mô hình phát triển kinh tế khu vực ASEAN phụ thuộc khá nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên dẫn đến việc ASEAN hiện đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái tài nguyên thiên nhiên và môi trường cũng như các tác động kinh tế - xã hội khác. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân ASEAN, thu hút sự quan tâm của Diễn đàn nhân dân ASEAN. Diễn đàn nhân dân lần thứ 5 (APF5) tại Cha-am, Thái Lan tháng 9/2009 đã kêu gọi các lãnh đạo ASEAN thiết lập một Trụ cột chiến lược về Môi trường.

Tham luận tại Hội thảo, các diễn giả đã khẳng định nhiều nước trong khu vực ASEAN có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tuy nhiên chưa được tận dụng tốt nhất để làm giàu cho quốc gia mình. Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm nguồn lực tự nhiên là tài sản chung, nhân dân có quyền đuợc biết cách thức phân bổ, sử dụng nguồn tài nguyên đó như thế nào.

Bên cạnh đó, các ý kiến thảo luận cũng đề cập đến mặt trái của phát triển dẫn đến sự phá hủy môi trường và sinh kế, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học không thể tái tạo.

Hội thảo “Quyền con người và dân chủ”

 
Thúc đẩy quyền của người lao động cũng là một trong những vấn đề
được tập trung thảo luận tại Diễn đàn APF 6
(Ảnh: Nguồn Internet)
Vấn đề quyền con người và dân chủ là mối quan tâm chung của người dân ASEAN và đã được bảo đảm tại Hiến chương ASEAN. Hiện nay, ASEAN đã có 3 cơ chế về nhân quyền, đó là Uỷ ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 tại Thái Lan năm 2009; Uỷ ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) ra mắt tháng 4 năm 2010, trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Việt Nam và Văn kiện khung ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư cũng được tiến hành từ năm 2008 và do Ủy ban ASEAN về thực thi Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của người lao động Di cư.

Ba cơ chế nhân quyền nêu trên là những bước đầu tiên và cũng là cơ hội cho các tổ chức nhân dân, ASEAN và các quốc gia thành viên bắt tay vào một quá trình lâu dài nhằm thực hiện những mục tiêu chung về bảo đảm quyền con người và dân chủ. Do sự đa dạng của nền chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa của mỗi quốc gia ASEAN, các cuộc đối thoại và cam kết là những cách tiếp cận hữu hiệu nhằm thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức nhân dân, giữa các tổ chức nhân dân với chính phủ và các tổ chức của ASEAN để đạt được nhận thức đúng đắn về quyền con người và dân chủ cũng như thúc đẩy việc bảo đảm quyền con người tại ASEAN.

Tại Hội thảo này, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ và trao đổi thông tin sự hiểu biết cũng như đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong việc bảo vệ quyền con người và đẩy mạnh dân chủ hóa trong khu vực theo khuôn khổ Hiến chương ASEAN.

Hội thảo “ Giảm nghèo và An sinh xã hội”

Giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội luôn là một trong những chủ đề trọng tâm của các diễn đàn ASEAN. Xuất phát điểm từ những nền kinh tế có mức phát triển thấp, nhìn chung các nước ASEAN đã và đang phải đối phó với nạn đói nghèo. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 40 (AMM 40), các nước ASEAN đã đặt ra lộ trình thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hiệp quốc. Lộ trình này là một cột mốc quan trọng đối với Cộng đồng ASEAN trong việc chung tay hỗ trợ các nước thành viên cải thiện đời sống và bảo đảm an ninh xã hội cho người dân.

Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi và thảo luận sôi nổi nguyên nhân của tình trạng đói nghèo cũng như chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp, cơ chế nhằm giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống kinh tế xã hội của người dân, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số... Các đại biểu đã thống nhất về yêu cầu tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN, thiết lập các thể chế tài chính quốc gia và khu vực nhằm giảm đói nghèo và đảm bảo an ninh xã hội của mọi người dân trong cộng đồng ASEAN.

Hội thảo “Người khuyết tật”

 

Bên lề các hội thảo, thanh niên các nước ASEAN còn có các hoạt động
tuyên truyền, hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN
(Ảnh: Nguồn LHCTCHNVN)

Trong thập kỷ gần đây, ASEAN trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới với tốc độ tăng trưởng cao. Hiến chương ASEAN đã nhấn mạnh quy định về cơ hội tiếp cận công bằng cho sự phát triển con người, bảo trợ xã hội và luật pháp. Tuy nhiên, người khuyết tật vẫn chưa được quan tâm thích đáng và còn phải chịu sự kỳ thị, phân biệt. Nhiều quốc gia đã có chính sách đối với người khuyết tật giúp người khuyết tật hòa nhập vào các lĩnh vực phát triển của đời sống nhưng khoảng cách giữa chính sách và thực thi vẫn còn tồn tại vì trong xã hội vẫn nhận thức đó là các chính sách, luật cho người khuyết tật chứ không phải là của cộng đồng và xã hội.

Tại Hội thảo lần này, các đại biểu khẳng định vấn đề người khuyết tật là vấn đề quốc gia và không chỉ là vấn đề nhân đạo mà còn liên quan đến mọi mặt trong đời sống xã hội như kinh tế, xã hội, văn hóa, sức khỏe, y tế… Người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, có khả năng làm công việc có thu nhập cao, tạo ra lợi nhuận cho xã hội. Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ không thể đạt được nếu không có sự tham gia của người khuyệt tật.

Các đại biểu cũng đã chia sẻ những thông tin mới nhất trong hoạt động của các tổ chức người khuyết tật khu vực ASEAN, đặc biệt là việc làm dành cho người khuyết tật cũng như đề xuất những khuyến nghị với chính phủ các nước ASEAN quan tâm đến vấn đề giáo dục, tăng cường năng lực lãnh đạo và cách thức áp dụng các chính sách liên quan đến người khuyết tật, cách thức đưa các vấn đề của người khuyết tật vào quá trình phát triển ASEAN và tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, thông qua đào tạo nghề và các kế hoạch tạo việc làm.

Hội thảo “Kết nối vì một tương lai lành mạnh”

 

 Toàn cảnh Hội thảo " Kết nối vì một tương lại lành mạnh"
(Ảnh: Nguồn LHCTCHNVN)

Các nước ASEAN đang phải giải quyết những thách thức phổ biến trong hệ thống y tế như: hệ thống bảo hiểm y tế không đầy đủ, chất lượng dịch vụ y tế yếu kém, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, thị trường dược phẩm bị các công ty đa quốc gia chi phối.

Trước tình hình đó, các đại biểu dự Hội thảo đã thể hiện mong muốn hình thành được một mạng lưới nhân dân của khu vực Đông Nam Á hoạt động trong lĩnh vực y tế sức khỏe và HIV/AIDS, từ đó giúp cải thiện chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế cho người dân, đồng thời nêu lên tiếng nói của mình trong việc đưa ra những thay đổi trong chính sách quốc gia để đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Hội thảo ghi nhận các khuyến nghị nhằm xây dựng một kế hoạch hành động cho các tổ chức nhân dân ASEAN để đẩy nhanh những hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe và phòng chống HIV/AIDS. Các đại biểu cũng đề xuất cần có chính sách hỗ trợ đầu ra các sản phẩm thủ công, giải quyết việc làm đào tạo dạy nghề cho những người nhiễm HIV…

Hội thảo “Lao động và quyền của người lao động di cư: Việc làm tử tế cho mọi người bao gồm lao động di cư”

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cũng như các khu vực khác trên thế giới, ở ASEAN đã và đang diễn ra quá trình di cư lao động. Lao động di cư ở ASEAN vì nhiều lý do như tìm kiếm các cơ hội mới, mong muốn có điều kiện lao động tốt hơn và mức lương cao hơn…Lao động nhập cư thường phải đối mặt với vấn đề bất bình đẳng, thiếu sự bảo vệ và tiếp cận về mặt pháp lý, điều kiện làm việc tồi tệ. Từ năm 2007, ASEAN đã thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo về và tăng cường quyền lợi cho người lao động nhập cư và thành lập Ủy ban thực thi Tuyên bố này (ACMW).

Các tổ chức nhân dân khu vực Đông Nam Á đã tích cực tham gia cùng chính phủ các nước ASEAN trong việc bảo vệ và tăng cường quyền lợi của người lao động di cư, trong đó bao gồm các sáng kiến của Nhóm công tác về người lao động di cư ASEAN (TFAMW) nhằm xây dựng một Văn kiện khung nhằm bảo vệ và nâng cao quyền lợi cho người lao động di cư.

Các đại biểu tham dự Hội thảo ““Lao động và quyền của người lao động di cư” đã thảo luận về việc ban hành và thực hiện các chính sách, quy định liên quan đến lao động di cư trong khu vực ASEAN, sự gia tăng lao động di cư và các tác động đến người lao động di cư; xác định các thách thức trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động di cư, đề ra các biện pháp cụ thể được thực hiện bởi các tổ chức nhân dân trong khu vực để thúc đẩy các quyền lợi cho người lao động di cư.

Các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động nói chung cũng như người lao động di cư nói riêng như việc xây dựng và hài hòa biện pháp và chính sách lao động ở các nước ASEAN, có các biện pháp hỗ trợ cho người lao động nhập cư, dành nguồn lực tài chính và nhân lực thỏa đáng cho công tác này.

Hội thảo “Thanh niên”

 

Các đại biểu tập trung thảo luận về các thách thức liên quan đến giáo dục tại
Hội thảo Thanh niên
(Ảnh:Khánh Lan)

Bên cạnh những lợi ích do phát triển và việc thực thi chính sách của ASEAN mang lại, thanh niên ASEAN đối mặt với những thách thức phổ biến như: thiếu tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, cơ hội nghề nghiệp, tình trạng buôn bán người, nhiễm HIV/AIDS... Thanh niên ASEAN đã tham gia tích cực vào các tiến trình ASEAN như Diễn đàn Thanh niên ASEAN (AYF), Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF).

Tại Hội thảo, đại biểu từ các tổ chức văn hóa, giáo dục, tình nguyện… của thanh niên trong khu vực đã tập trung thảo luận về những thách thức chủ đạo, đặc biệt là những thách thức liên quan tới giáo dục. Hội thảo đã thống nhất kiến nghị đưa vào kế hoạch hành động chung giai đoạn 2011-2015, tập trung vào vận động và thực hiện chiến dịch nêu lên vai trò của thanh niên đối với ASEAN và công chúng. Theo đó, nằm trong mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015, thanh niên cần có quyền tiếp cận đối với giáo dục (giáo dục cho mọi người) và phải có cơ hội tiếp thu kiến thức toàn diện thông qua các chương trình giáo dục chính thức, không chính thức cũng như dịch vụ tình nguyện, trao đổi. Ngoài ra cần tăng cường sự tham gia của thanh niên ASEAN vào quá trình ra quyết định.

Hội thảo “Ngư dân ASEAN: Đối mặt với các thách thức đang nổi lên”

Ngư nghiệp đóng vai trò quan trọng vì đó là một trong những nguồn lương thực và nguồn thu nhập đáng kể của người dân nói riêng và các quốc gia Đông Nam Á nói chung. Hiện nay, ngư dân Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức mới từ việc khai thác không bền vững làm giảm nguồn thủy sản hay đánh bắt quá mức dẫn tới hủy hoại sinh học và mất an ninh lương thực. Ngoài ra, ngư nghiệp và ngư dân Đông Nam Á phải đối mặt với những khó khăn mới nảy sinh như các hiệp định tự do thương mại, biến đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế - xã hội khác.

Tham gia Hội thảo, đại biểu của các tổ chức nông dân, hiệp hội thủy sản, liên minh ngư dân… trong khu vực đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong việc đối phó với các thách thức đang nổi lên đối với ngư dân Đông Nam Á ở cấp độ quốc gia và khu vực, kiến nghị thúc đẩy đối thoại và hợp tác để tạo nên sự đồng thuận giữa các quốc gia nhằm đảm bảo phát triển ngư nghiệp bền vững, cải thiện cuộc sống cho ngư dân, đối xử công bằng, nhân đạo đối với ngư dân trong đó có các biện pháp bảo vệ, cứu hộ trong trường hợp gặp nguy hiểm hoặc khủng hoảng; tăng cường trang bị cho ngư dân những kiến thức cần thiết về luật pháp, thị trường, khoa học công nghệ…

Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ nguồn nước và nguồn lợi thủy sản của sông Mêkông./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực