Lan tỏa cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Thứ sáu, 29/07/2022 14:18
(ĐCSVN) - Hàng trăm nghìn lượt người tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022, thể hiện sự quan tâm và tình cảm đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Phát động Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Tài liệu tham khảo Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Bạn Đinh Phương Ly đoạt giải Nhất tuần 6 Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Hơn 237 nghìn lượt người thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Sáu tuần, hơn 237 nghìn lượt người dự thi

 Nhằm góp phần vào thành công của “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”, thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các cơ quan báo chí phối hợp, diễn ra trong thời gian 12 tuần từ ngày 13/6/2022 đến ngày 05/9/2022.

Sau Lễ phát động diễn ra ngày 13/6/2022 tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), hơn 6 tuần qua, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo nhân dân ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Một số công dân hai nước Việt Nam và Lào đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài và bạn bè quốc tế cũng tham gia dự thi. Cụ thể, số liệu trên hệ thống Cuộc thi cho biết: Từ 16h00 ngày 13/6 đến 15h00 ngày 25/7, tức sau 6 tuần diễn ra Cuộc thi đã có 237.013 lượt người dự thi với 848.900 lượt thi. Trong tổng số 237.013 lượt người dự thi, có 236.529 lượt người dự thi có quốc tịch Việt Nam, 442 lượt người thi có quốc tịch Lào, 42 lượt người thi có quốc tịch các quốc gia khác. 

 Cô giáo Võ Thị Hương, Trường mầm non xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) tham gia Cuộc thi. Ảnh: NVCC

Qua 6 tuần thi, Ban Tổ chức đã công bố 48 giải thưởng, gồm 6 giải Nhất, 12 giải Nhì và 30 giải Ba. Những người đoạt giải thưởng phần lớn là giáo viên, học sinh, sinh viên, công nhân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Hiện nay đang diễn ra tuần thi thứ 7 và số người thi, số lượt thi vẫn tiếp tục tăng từng phút trên hệ thống. Đến 10h00 ngày 29/7, tuần thi này đã ghi nhận hơn 200 nghìn lượt thi.

Nhiều ý kiến ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm tham gia Cuộc thi

Cô giáo Võ Thị Hương (Giáo viên Trường mầm non xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), người đoạt giải Ba tuần thi thứ 3, cho biết: Tôi cho rằng đây là một cuộc thi có nghĩa thiết thực, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, làm cho mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào.

“Thời gian này đang nghỉ hè, ngoài việc thường xuyên tham gia dự thi, tôi cũng tích cực chia sẻ thông tin, hướng dẫn các đồng nghiệp trong và ngoài trường về Thể lệ Cuộc thi, cách thức tham gia Cuộc thi qua nhóm Zalo, Facebook... để đồng nghiệp hưởng ứng, tham gia. Theo tôi, để đoạt giải của Cuộc thi, người dự thi cần có niềm đam mê, chịu khó tìm hiểu tài liệu để trả lời đúng tất cả các câu hỏi, ngoài ra cần có sự kiên trì, thường xuyên dự thi nhiều lần, cộng thêm một chút may mắn nữa sẽ có khả năng đoạt giải. Các câu hỏi của Cuộc thi cơ bản vừa sức với khả năng của người tham gia dự thi, không quá khó cũng không quá dễ”, cô giáo Võ Thị Hương bày tỏ.

Cô giáo Cao Thị Mỹ Linh (Giáo viên Trường THCS Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), người đoạt giải Nhất tuần thi thứ 3, chia sẻ: “Tôi tham gia Cuộc thi với tinh thần tích cực học hỏi, qua đó tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về quan hệ Việt Nam - Lào. Hồi tôi đi học đại học được học chung với một số bạn người Lào - những người bạn rất thân thiện, dễ mến, nên tôi càng thêm trân quý tình đoàn kết, quan hệ đặc biệt giữa hai đất nước. Thông qua cuộc thi này, tôi như được ngược dòng lịch sử tìm về những cột mốc đáng nhớ trong quan hệ giữa hai nước. Tôi thấy Cuộc thi ngày càng hấp dẫn và thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Mỗi tuần thi đều mang lại những thông tin, kiến thức bổ ích, một số câu hỏi có gắn kèm hình ảnh sinh động và bài hát rất hay, rất đáng tìm hiểu.  

 Anh Lê Lam Điền - Phó Chủ tịch UBND phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, tham gia Cuộc thi. Ảnh: NVCC

“Cuộc thi mang lại rất nhiều kiến thức về lịch sử quan hệ gắn bó, đoàn kết, thủy chung, đầy tình hữu nghị trong quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng, phát triển hai đất nước Việt Nam - Lào. Nhiều câu hỏi rất ấn tượng với những thông tin, hình ảnh tư liệu quý; những bài hát Lào và bài hát Việt Nam ca ngợi mối quan hệ Việt - Lào rất hay, tạo cảm xúc và hứng thú cho người dự thi”, anh Lê Lam Điền - Phó Chủ tịch UBND phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, chia sẻ. Cũng theo anh Điền, việc trả lời các câu hỏi của Cuộc thi những tuần qua không quá khó, người dự thi có thể dễ dàng tìm được đáp án khi tra cứu các tài liệu do Ban Tổ chức Cuộc thi cung cấp và các nguồn thông tin chính thống, tin cậy trên mạng Internet.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên (Giáo viên Trường THCS Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), người đoạt giải Nhất tuần 4, cho biết: "Cuộc thi giáo dục cho thế hệ trẻ về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào, giúp các bạn trẻ ngày nay hiểu rõ hơn những nỗ lực và sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha ông trước đây, qua đó hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp. Qua Cuộc thi, ngoài việc có thêm nhiều kiến thức và thông tin bổ ích giúp cho công tác giảng dạy của bản thân, tôi mong muốn sẽ truyền được cảm hứng học tập, nghiên cứu cho học sinh của mình, giúp các em có thêm hứng thú với các cuộc thi trực tuyến tương tự".

Em Nguyễn Ngân Hà (Học sinh Trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), người đoạt giải Nhất tuần 5, chia sẻ: “Là một đoàn viên thanh niên, em tham gia Cuộc thi với mong muốn nâng cao nhận thức về quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Rất vinh dự và may mắn khi đoạt giải, em mong muốn được truyền cảm hứng cho các bạn cùng lớp, cùng trường nhiệt tình tham gia cuộc thi này, góp phần phát huy truyền thống hữu nghị, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt – Lào. Ở tỉnh Nghệ An, Cuộc thi đang được hưởng ứng mạnh mẽ, Huyện đoàn Thanh Chương cũng như Đoàn trường THPT Đặng Thúc Hứa của em đã thông báo, triển khai sâu rộng Cuộc thi trong cán bộ, giáo viên và đoàn viên thanh niên”.

Em Đinh Phương Ly (Học sinh lớp 11 A3, Trường THPT Quảng Oai, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), người đoạt giải Nhất tuần 6, cho biết: “Ban giám hiệu trường em đã thông báo về Cuộc thi tới cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, đề nghị các thầy cô chủ nhiệm triển khai sâu rộng Cuộc thi trong học sinh của lớp mình phụ trách. Em rất vui khi đoạt giải Nhất tuần thi thứ 6".

"Theo em, để có thể đoạt giải, trước hết cần phải có sự đam mê tìm hiểu lịch sử của Việt Nam và lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào. Em cũng thường xuyên theo dõi tin tức, kết quả các tuần thi được Ban Tổ chức công bố. Người dự thi cần chịu khó tìm hiểu kiến thức để trả lời đúng các câu hỏi, đồng thời phải có sự kiên trì và may mắn để dự đoán chính xác số người trả lời đúng”, Phương Ly nói. 

Em Đinh Phương Ly (Học sinh lớp 11 A3, Trường THPT Quảng Oai, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) - người đoạt giải Nhất tuần 6. (Ảnh: NVCC) 

Công tác tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chị Lại Thị Lành cho biết: “Tại Công ty tôi làm việc, Cuộc thi được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng từ các tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Theo kinh nghiệm tôi được biết, để có cơ hội đoạt giải, người dự thi phải thi nhiều lần và thường xuyên theo dõi diễn biến, kết quả các tuần thi đang diễn ra để nắm bắt được tình hình và dự đoán chính xác nhất số người trả lời đúng”.

Anh Châu Thành Nghĩa - Giáo viên Trường Tiểu học Hàm Phú 1, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, người thường xuyên tham gia các cuộc thi trực tuyến và đã nhiều lần đoạt giải, cho biết: Cuộc thi này có ý nghĩa rất thiết thực, hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến cũng rất phù hợp, dễ thao tác trên các thiết bị có kết nối Internet.

Theo anh Châu Thành Nghĩa, để đoạt giải, người dự thi cần phải tích cực tìm hiểu kiến thức liên quan đến nội dung các câu hỏi trong các tuần thi, đồng thời luôn theo dõi sát diễn biến, kết quả các tuần thi để tích lũy kinh nghiệm cho các tuần thi tiếp theo. Đặc biệt, người dự thi phải thật sự kiên trì, có niềm đam mê, nhiệt huyết trong quá trình tham gia thi./.

Xuân Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực