Quan hệ Việt Nam - Myanmar ngày càng sâu sắc và bền chặt

Thứ hai, 16/12/2019 11:24
(ĐCSVN) - Trong chuyến thăm chính thức lần này tới Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ ký Chương trình hành động cho hợp tác hai nước giai đoạn 2019-2024. Đây là một văn kiện quan trọng vì nó định hướng sự phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước với tầm nhìn dài hạn và ngày càng sâu sắc, bền chặt.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao-Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi thăm Việt Nam (tháng 4/2018) 


Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar U Uyn Min (U Win Myint), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 16–18/12/2019. Trong chuyến thăm chính thức lần này tới Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ ký Chương trình hành động cho hợp tác hai nước giai đoạn 2019-2024. Đây là một văn kiện quan trọng vì nó định hướng sự phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước với tầm nhìn dài hạn và ngày càng sâu sắc, bền chặt.

Hợp tác toàn diện

Kể từ khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện, quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, trên tất cả các mặt, đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Cùng với quan hệ chính trị ngày càng được mở rộng, đến tất cả các cấp, các bộ ngành, lòng tin giữa hai đảng cầm quyền và chính phủ hai nước ngày càng được tăng cường. Hai năm qua, nhiều đoàn cấp cao của hai nước đã sang thăm lẫn nhau: Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng thăm Myanmar tháng 8/2017, Phó Tổng thống Myanmar U Henry Van Thio thăm Việt Nam tháng 3/2018, Cố vấn Nhà nước Myanmar Daw Aung San Suu Kyi thăm Việt Nam tháng 4/2018, Tổng thống Myanmar U Win Myint thăm  Việt Nam và tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tháng 5/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Myanmar tháng 6/2019 và giờ là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Myanmar.

Rất nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng các bộ, ngành của hai nước (Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Công thương, Khoa học công nghệ, Thông tin truyền thông, Giáo dục, Văn hoá, Du lịch…) cũng đã thăm và làm việc với nhau. Cũng trong hai năm qua, số lượng các đoàn của các Uỷ ban Quốc hội, Ban dân vận Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân… tăng lên không ngừng. Hợp tác địa phương cũng đã đến cấp tỉnh, quân khu, các trường đại học…

Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa hai nước phát triển dựa trên các cơ chế hợp tác song phương đã có, hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết và tìm kiếm những cơ hội mới cho hợp tác hai bên, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiến chương ASEAN, phù hợp với Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, cũng như tôn trọng luật pháp, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên.

Bên cạnh các cơ chế hợp tác đã có như Uỷ ban hợp tác hỗn hợp, Tiểu ban hợp tác thương mại, Tham vấn chính trị, Tham vấn an ninh… thì sự ra đời của các cơ chế hợp tác mới trong hai năm qua cũng đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Đó là sự ra đời của Hội hữu nghị Manmar-Việt Nam và Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, giúp cho sự hợp tác giữa hai nước đến được với mọi tầng lớp nhân dân. Việc doanh nghiệp quân đội hai nước tham gia vào dự án liên doanh viễn thông Mytel, tham gia vào hội chợ triển lãm hàng hoá… đang góp phần làm cho quan hệ hợp tác giữa hai nước được mở rộng và ngày càng phong phú.

Đối tác sâu sắc

Với khuôn khổ quan hệ mới, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư được chú trọng, đạt được nhiều kết quả to lớn. Hợp tác đầu tư và thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước trong thời gian qua. Hợp tác này đáp ứng nhu cầu của cả hai nước trong quá trình phát triển kinh tế. Cả hai nước cần thị trường của nhau và các mặt hàng của hai bên có sự bổ trợ cho nhau rất tốt. Các hội chợ, triển lãm hàng hoá, các buổi giao lưu doanh nghiệp với nhau… giúp cho các doanh nghiệp hai nước tìm thêm nhiều cơ hội kinh doanh. Kim ngạch thương mại hai chiều tính đến tháng 10/2019 ước đạt 790 triệu USD tăng hơn 9,3%  so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư hiện là 2,165 tỉ USD với 25 dự án, xếp thứ 7 trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar.

Đồng thời, hợp tác an ninh - quốc phòng ngày càng gắn bó, đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực. Bên cạnh việc trao đổi đoàn các cấp, quân đội hai nước đã triển khai nhiều nội dung hợp tác mới như: giao lưu sĩ quan trẻ, đào tạo ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Myanmar; quân y; công nghiệp quốc phòng; thúc đẩy quản lý biên giới, chống di cư bất hợp pháp, chống buôn lậu…

Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác khác đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ: nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, tư pháp, lập pháp, thông tin, truyền thông, thể thao…

Tương lai bền vững

Việt Nam và Myanmar là những người bạn truyền thống, là đối tác tin cậy trong ASEAN và trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế khu vực và thế giới. Trong các cuộc gặp và tiếp xúc cấp cao, các bạn Myanmar đều bày tỏ mong muốn được học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, đổi mới và cải cách mở cửa của Việt Nam. Đây là điểm thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thực hiện và triển khai phát triển quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện với Myanmar.

Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng sẽ chứng kiến việc ký kết hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước, cho thấy sự hợp tác giữa hai nước không chỉ ở quan hệ song phương mà sẽ được làm sâu sắc thêm qua sự hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, các diễn đàn đa phương, trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Việc làm sâu sắc các hợp tác này sẽ giúp Việt Nam đảm trách tốt hơn nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.

Trong ba năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar kinh doanh và đầu tư đã tăng gấp đôi (từ khoảng 100 doanh nghiệp năm 2016, nay đã đạt đến con số trên 200 doanh nghiệp hiện diện). Sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar rất đa dạng về hình thức (liên doanh, 100% vốn, văn phòng đại diện, chi nhánh…) và đa dạng về lĩnh vực (xây dựng, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, du lịch, dịch vụ hàng hoá, hàng tiêu dùng…). Đại sứ quán có cán bộ phụ trách thương mại và đầu tư và cán bộ phụ trách Cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar cùng Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar (ra đời ngày 28/5/2019) đang tạo thêm nhiều kênh để các doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar có thể tìm hiểu thông tin, thủ tục đầu tư và tìm kiếm đối tác. Các lĩnh vực đầu tư và kinh doanh mới đang được thúc đẩy là sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng gia tăng cao (rau quả organic, thực phẩm chế biến từ sản phẩm nông nghiệp), sản phẩm ứng dụng công nghệ cao (smart tivi, smart home…)… Hai chính phủ cũng đang tính đến khả năng xây dựng khu công nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar mang đến nét đặc thù rất riêng biệt cho cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar khi chiếm đến 95%. Số lượng người Việt Nam sinh sống lâu đời tại Myanmar không nhiều, chưa đến 100 người trên tổng số khoảng 1.500 người, chiếm khoảng 5%. Sự đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar chính là chất keo kết dính người Việt lại với nhau, tạo ra hình ảnh đẹp về con người Việt Nam cần cù, sáng tạo, năng động, kỷ luật và tôn trọng pháp luật trên đất nước Myanmar.

Việt Nam và Myanmar có nhiều điểm tương đồng về lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và văn hoá. Người Việt Nam trên đất nước Myanmar hiểu rõ đất nước và con người Myanmar, thấy rõ từng con người Myanmar đều thấm đẫm văn hoá, thờ phụng đạo giáo, đề cao giá trị gia đình, coi trọng lễ hội, nên đã lấy văn hoá và đạo giáo làm gốc để thúc đẩy quan hệ, để nâng cấp đối tác và giúp cho quan hệ đối tác này ngày càng bền chặt. Với nhận thức như vậy, mọi hoạt động chính trị như tổ chức kỷ niệm Quốc khánh, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và các hoạt động kinh tế-xã hội, Đại sứ quán đều quan tâm đến yếu tố văn hoá, đưa văn hoá vào  phần lễ lẫn phần hội. Nhờ đó, nhiều người Myanmar đã đến với các sự kiện của Đại sứ quán, gần gũi với cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar, tăng cường được sự giao lưu, gắn kết, và tình cảm chân thành giữa nhân dân hai nước. Đó là gốc để quan hệ hai nước bền chặt.

Hoạt động văn hoá không chỉ giúp nhân dân Myanmar hiểu hơn về Việt Nam mà nhân dân Việt Nam cũng hiểu hơn về Myanmar, điều đó đã giúp cho du lịch giữa hai nước phát triển, số lượng khách du lịch của hai nước không ngừng tăng lên trong những năm qua. Khi người dân hai nước gắn kết thì doanh nghiệp Việt Nam cũng được lợi, dễ dàng thâm nhập thị trường Myanmar, được người dân Myanmar chào đón vì thấy gần gũi và tin tưởng.

Việt Nam đã và vẫn tiếp tục thể hiện là một đối tác tin cậy, chia sẻ sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Myanmar. Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế thị trường, phát triển các thành phần kinh tế, nhưng cũng học hỏi nhiều ở đất nước Myanmar, đặc biệt là về việc quản lý các thành phần kinh tế tư nhân, quản lý đầu tư nước ngoài, kiểm soát các loại thuế, phát triển nền giáo dục phổ thông tiên tiến và cách thức gìn giữ nền văn hoá truyền thống lâu đời. Chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của nhau không chỉ giúp hai nước cùng phát triển mà còn tăng cường sự tin cậy, tăng cường lòng tin, làm cho quan hệ đối tác giữa hai nước ngày càng bền chặt./.

TS. Luận Thuỳ Dương - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Myanmar

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực