Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tư tưởng đó vẫn giữ nguyên giá trị và càng trở nên cần thiết trong tình hình hiện nay, khi toàn Đảng đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI và XII của Đảng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Vấn đề nêu gương cũng được Đảng ta luôn chú trọng lãnh đạo thực hiện, nhiều nghị quyết đã đề cập đến tinh thần nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh: HH)
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ” là nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, được cụ thể hóa từ nhiệm vụ thứ Nhất trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII xác định cũng đã nhận diện và chỉ rõ những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và đưa ra các giải pháp cụ thể.
Sau khi ban hành, các quy định được triển khai thực hiện và đã nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tạo chuyển biến tích cực trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua cho thấy, một số đồng chí thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Do đó, cần có quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XII sẽ diễn ra từ ngày 2/10 đến 6/10. Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến vào dự thảo đề án “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Theo đồng chí Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương), quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được chuẩn bị từ đầu năm, đến nay cơ bản đã hoàn thành sau khi tham vấn, xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo trước khi trình Trung ương.
Theo tinh thần chỉ đạo, quy định này được thiết kế nhấn mạnh đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có quy định chung cho cán bộ, đảng viên là: Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Quy định trách nhiệm nêu gương của từng Ủy viên được xây dựng theo nguyên lý: “có xây có chống, xây trước, chống sau.” Theo đó, các đồng chí Ủy viên phải gương mẫu thực hiện 9 điểm liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, chức trách, nhiệm vụ, gia đình…
Quy định “chống” để thực hiện trách nhiệm nêu gương được xây dựng theo nguyên lý “từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân (không nên làm, không được làm) và kiên quyết chống.
“Song song với quy định mới này, Quy định 101/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương (Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp) và Quy định 105/QĐ-TW năm 2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử) vẫn phát huy tác dụng và được thực hiện,” đồng chí Vũ Thanh Sơn nhấn mạnh.
Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên do Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị có mục đích để đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí lãnh đạo cấp cao, những vị trí chủ chốt ở mọi cấp. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Yêu cầu của Quy định phải nhìn thẳng vào sự thật, tập trung vào những khuyết điểm, yếu kém, bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra. Nội dung nêu gương phải ngang tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm được giao. Quy định phải bảo đảm vừa khái quát, vừa cụ thể và có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình hiện nay; bảo đảm sự đồng bộ với các nghị quyết, quy định của Đảng có liên quan; dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và tạo được sự lan tỏa.
Có thể khẳng định đây sẽ là quy định có ý nghĩa trong chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng; lạm quyền, lợi ích nhóm, để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, làm tăng thêm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin tuyệt đối của người dân đối với Đảng./.