Nghị quyết số 28-NQ/TW mang tính đột phá về cải cách bảo hiểm xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Mạnh Hùng
Tiếp tục khẳng định BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 đã chỉ rõ sự cần thiết phải phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng- hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.
Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH nhấn mạnh, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Việc phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH. Điều đặc biệt, đây được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Để thực hiện hiệu quả 11 nội dung cải cách trong thời gian đến, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã chỉ rõ 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ. Cụ thể: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội./.