Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
(Ảnh: BT/dangcongsan.vn)
Trong những năm qua, ngành y tế Hà Nội đã tích cực triển khai các chiến dịch tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị quan tâm, hỗ trợ các hộ gia đình hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong triển khai đã góp phần đưa phong trào lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Đáng chú ý là sự phối hợp giữa ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành xây dựng trong việc đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; trong thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vận động người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh gia đình, chuồng trại; vệ sinh phòng chống dịch bệnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm… Công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động cũng được thành phố triển khai có hiệu quả. Các bệnh truyền nhiễm thường gặp được kiểm soát và giảm nhiều như: Sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika; các bệnh dịch nguy hiểm mới được ngăn chặn và kiểm soát kịp thời, khống chế không để dịch bùng phát trên quy mô lớn...
Thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở ăn uống nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; tổ chức triển khai phát động phong trào vệ sinh yêu nước tại nơi làm việc, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất; bảo đảm vệ sinh môi trường lao động, vệ sinh cá nhân cho người lao động. Đặc biệt hàng năm, thành phố thường xuyên tổ chức các chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống dịch chủ động, kiểm soát và kịp thời khống chế dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn.
Cùng với đó, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh với nhiều hình thức như: Tổ chức phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, “Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường”; Ngày môi trường thế giới; hưởng ứng chiến dịch chung tay phòng chống dịch bệnh; Hành trình 10 triệu bàn tay sạch; Ngày thế giới rửa tay với xà phòng; Tháng hành động Vệ sinh an toàn thực phẩm, phát động các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng…; treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề “Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính, tại trụ sở cơ quan với thông điệp kêu gọi người dân tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; phát tờ rơi, tài liệu, đĩa CD, VCD, phát thanh trên loa đài với nội dung tuyên truyền về các hoạt động vệ sinh môi trường… Vận động người dân, hộ gia đình, trường học hưởng ứng phong trào bằng hành động cụ thể: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bằng những hành động cụ thể; tham gia xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định; hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý, trữ nước và sử dụng nước an toàn cho gia đình; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm phòng tránh tiêu chảy và bệnh tay chân miệng...
Nhờ đó, 100% xã, phường, thị trấn đã hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân bằng những hoạt động cụ thể như: Vệ sinh gia đình, khu vực công, khơi thông cống rãnh, tổ chức tổng vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, công tác vệ sinh phòng bệnh tại Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại do thành phố có qúa trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, biến động dân cư lớn, người ngoại tỉnh đến thuê trọ, làm ăn, sinh sống nhiều cùng với những khu sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, nhà ở chật chội, ẩm thấp; tình trạng thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém, kèm theo diễn biến thời tiết bất thường là những yếu tốt thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ phát sinh, phát triển thành dịch bệnh trong cộng đồng cũng như gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân chưa cao, còn tư tưởng chủ quan, coi thường và ít hợp tác với cơ quan y tế trong điều tra, xác minh, xử lý và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Trình độ dân trí, nhận thức người dân chưa đồng đều nên việc nhận thức rõ ý nghĩa phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân chưa cao, chưa sâu, chưa thường xuyên áp dụng vào cuộc sống thường ngày.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Khổng Minh Tuấn, để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường vận động, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, tuyên truyền về các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn lao động; hàng năm tổ chức phát động chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân trong phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của các hoạt động y tế góp phần đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn Hà Nội./.
P. Mai