Ban (vụ) có 20 biên chế được bố trí tối đa 2 cấp phó

Thứ hai, 08/10/2018 13:07
(ĐCSVN) - Dự thảo đề xuất: Ban (vụ) và Văn phòng có từ 20 người làm việc là công chức, viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó.
Dự thảo Nghị định đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến. (Ảnh: KT)

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung

Theo Bộ Nội vụ, sau 02 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 10/2016/NĐ-CP cho thấy, một số nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ trong quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc chưa được quy định thống nhất và phù hợp với phân cấp thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016.

Mặt khác, Bộ Nội vụ cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả thì Nghị định số 10/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, cần quy định tiêu chí về biên chế tối thiểu khi thành lập Ban, Văn phòng và Phòng thuộc Ban, Văn phòng làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong của cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời quy định tiêu chí xác định số lượng cấp phó của Ban, Văn phòng và Phòng thuộc Ban, Văn phòng, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa số lượng người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và số lượng viên chức thực thi, thừa hành thuộc tổ chức.

Đề xuất bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó tối đa

Dự thảo đề xuất, chỉ thành lập Ban (vụ) khi khối lượng công việc cần phải bố trí tối thiểu 15 người làm việc là công chức, viên chức trở lên.

Trong đó, dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 để bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó tối đa của tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ như sau: Ban (vụ) và Văn phòng có từ 20 người làm việc là công chức, viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên có từ 20 người làm việc là công chức, viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó; trên 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện số lượt cấp phó theo Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc bổ sung quy định số lượng cấp phó tối đa của Ban (vụ), Văn phòng của cơ quan thuộc Chính phủ gắn với số lượng biên chế tối thiểu được áp dụng tương tự như đối với Vụ thuộc Bộ. Riêng số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan thuộc Chính phủ được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 (trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện số lượt cấp phó theo Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để có chính sách khuyến khích đối với các nhóm đơn vị sự nghiệp công lập này).

Bên cạnh đó, dự thảo đề nghị bổ sung Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 10/2016/NĐ-CP để quy định về tiêu chí thành lập Phòng và tương đương thuộc Ban (vụ) và Văn phòng.

Dự thảo Nghị định cũng đề nghị bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 10/2016/NĐ-CP để quy định về số lượng cấp phó của Phòng thuộc Ban (vụ) và Văn phòng. Cụ thể: Phòng có dưới 10 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng, có từ 10 người làm việc là công chức, viên chức trở lên thì bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng. Theo Bộ Nội vụ, việc quy định định số lượng cấp phó của Phòng thuộc Ban (vụ), Văn phòng theo số lượng công chức, viên chức tối thiểu là để đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo quản lý và số lượng công chức, viên chức thực thi thừa hành thuộc phòng.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 10/2016/NĐ-CP quy định về người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng áp dụng quy định chuyển tiếp về số lượng cấp phó trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được thực hiện theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Theo đó, bỏ quy định “Trong trường hợp do sáp nhập cơ quan thuộc Chính phủ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển của cơ quan có thẩm quyền, số lượng cấp phó có thể nhiều hơn nhưng không quá 05 người và do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 10/2016/NĐ-CP.

Đồng thời bổ sung điều khoản chuyển tiếp liên quan đến việc thực hiện các quy định về cấp phó đối với cơ quan thuộc Chính phủ như sau: “Trường hợp sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mà làm tăng số lượng cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị so với quy định tại Nghị định này thì trong thời hạn đến năm 2020, cơ quan thuộc Chính phủ phải hoàn thành việc sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp phó, bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định này; chỉ được bổ sung khi số lượng cấp phó thấp hơn quy định tại Nghị định này”.

Dự thảo Nghị định định được lấy ý kiến từ nay đến ngày 05/12/2018./.

Trường Nhật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực