Bình Phước: Đưa chỉ số phát triển con người đạt mức trung bình cao của cả nước

Thứ năm, 11/10/2018 16:36
(ĐCSVN) – Đây là một trong những mục tiêu cụ thể được đề ra tại Kế hoạch số 112-KH/TU của Tỉnh uỷ Bình Phước nhằm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác dân số trong tình hình mới.

Cùng với mục tiêu về chỉ số phát triển con người, Bình Phước cũng phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng dân số ở mức khoảng 1%, duy trì và ổn định vững chắc mức sinh thay thế, đảm bảo hợp lý tỷ số giới tính khi sinh; phấn đấu tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế, được quản lý sức khoẻ, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở y tế chăm sóc tập trung. Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%; bố trí sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Các y, bác sĩ của tỉnh Bình Phước khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào
dân tộc thiểu số vùng khó khăn tại xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp. (Ảnh:baobinhphuoc.com.vn)

Để đạt mục tiêu đề ra, Bình Phước sẽ thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực dân số.

Cụ thể, Bình Phước sẽ chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng bệnh, tiêm chủng đầy đủ vắc-xin cho trẻ, bổ sung vi chất dinh dưỡng; quản lý, khám thai đúng định kỳ, tiêm ngừa uốn ván, bổ sung sắt cho thai phụ; khám tầm soát nhằm phát hiện sớm các bệnh ung thư của phụ nữ. Từng bước phát triển thêm chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế; khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của tổ chức nhân đạo từ thiện; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hoá, giải trí của người cao tuổi. Ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như: Trẻ em thiệt thòi, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi không nơi nương tựa, người đến định cư vùng đặc biệt khó khăn...

Đối với công tác truyền thông dân số, chú trọng đẩy mạnh chương trình truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - phát triển; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và phát huy lợi thế dân số vàng, từng bước thích ứng với già hoá dân số để phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Chỉ số phát triển con người (HDI) đánh giá trên 3 khía cạnh cơ bản của phát triển con người là: Sống lâu và sống khoẻ mạnh; Kiến thức; Mức sống bền vững. Theo Báo cáo Phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm và Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2015 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc công bố năm 2016, các tỉnh: Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Thái Nguyên và Phú Yên được đánh giá là những “ngôi sao đang lên” với những phát triển vượt bậc, đáng ghi nhận về HDI. 
Minh Huấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực