|
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo của Đoàn giám sát. Ảnh: Phạm Thắng |
Đó là khẳng định Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021" diễn ra ngày 13/9.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, việc thực hiện kiểm sát đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và rà soát, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trong lĩnh vực tư pháp của ngành Kiểm sát.
Việc thực hiện kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực đã được ngành Kiểm sát quan tâm, chú trọng và đề cao vai trò trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Các kết luận đảm bảo tính có căn cứ, xem xét giải quyết đầy đủ các nội dung đề nghị, lập luận chặt chẽ, có tính thuyết phục cao, từng bước khắc phục những tồn tại, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến cơ bản, nhằm giải quyết dứt điểm một số việc phức tạp, bức xúc trong Nhân dân, góp phần ốn định tình hình chính trị địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát còn một số tồn tại như: Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều Viện Kiểm sát sau khi nhận được đơn của đương sự, song chỉ chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết, không theo dõi kết quả giải quyết, không áp dụng các biện pháp kiểm sát theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành; hoặc có Viện Kiểm sát đã áp dụng biện pháp kiểm sát nhưng không được Tòa án thực hiện cũng không kiến nghị với Tòa án cấp trên theo quy định của pháp luật.
Số vụ việc Viện Kiểm sát các cấp phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị còn thấp, phần lớn mới dừng lại ở việc phát hiện những vi phạm về hình thức giải quyết khiếu nại, tố cáo (hình thức văn bản, thủ tục, thời hạn giải quyết) trong khi đó số bản án, quyết định của Tòa án bị cải sửa, hủy ở cấp phúc thẩm và ở thủ tục giám đốc thẩm do vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều, mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án đều có sự tham gia kiểm sát của Viện Kiểm sát, dẫn đến vai trò của VKSND về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được đề cao.
Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại một số vụ còn hạn chế như: Một số quyết định giải quyết khiếu nại của một số VKSND còn chưa đảm bảo tính thuyết phục; một số quyết định giải quyết khiếu nại phân tích, kết luận chưa đi thẳng vào nội dung khiếu nại, có lúc còn xuôi chiều theo kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm trước đó.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho rằng, nguyên nhân chính của tồn tại, hạn chế trên là do việc thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong chức năng kiểm sát của cơ quan Kiểm sát được quy định trong Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân nhưng việc cụ thể hóa chức năng kiểm sát đối hoạt động tư pháp tại các luật chuyên ngành như tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm sát.
Bên cạnh đó, để chất lượng kiểm sát được tốt thì cần có quy định cụ thể về sự tham gia của cơ quan Kiểm sát ngay từ giai đoạn tiền tố tụng, ngay từ khi cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận tin báo, tin tố giác tội phạm đối với lĩnh vực hình sự, thụ lý đơn khởi kiện đối với án hành chính, án dân sự nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể mà chủ yếu được thực hiện qua việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên, Đoàn giám sát đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp có liên quan ở Trung ương rà soát một số Thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính; về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm… để phù hợp với quy định hiện hành, thực hiện chức năng kiểm sát của cơ quan Kiểm sát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp hữu hiệu để tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Tòa án; việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của ngành kiểm sát đã có hiệu lực pháp luật để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời làm cơ sở để tổng kết, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát./.