Cần có chính sách và chiến lược chuẩn bị cho già hóa dân số một cách phù hợp

Thứ ba, 02/10/2018 16:02
(ĐCSVN) - Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Vì thế, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược chuẩn bị cho già hóa dân số một cách phù hợp trong thời gian tới.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam tại Tọa đàm “Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước”. 

Tọa đàm do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge) tổ chức Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10/2018.

Tọa đàm “Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước”. (Ảnh: TTXVN)

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: “Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi, chúng ta hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi".

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, ở Việt Nam, dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế - xã hội, nếu không có chính sách phù hợp. 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi qua từng giai đoạn phát triển đất nước, kể cả giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều chính sách cho người cao tuổi được cụ thể hóa bằng các luật, nghị định, quyết định, thông tư, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020, Tháng hành động về người cao tuổi… 


Tham dự tọa đàm, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đề ra những giải pháp nhằm biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội, đồng thời kêu gọi xã hội có một cách nhìn nhận tích cực hơn về người cao tuổi. Nhiều đại biểu cho rằng, thích ứng với già hoá dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa. Cần lồng ghép vấn đề người cao tuổi với các chính sách, chỉ tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam. Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hoá dân số cho giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh nếu cần thiết các pháp luật, chính sách liên quan đến người cao tuổi như Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi, cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hoá dân số…/.

D.An (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực