Tại Phiên họp thứ 27 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ảnh minh họa: MT
Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, với quan điểm sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội và nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, ngày 25/10/2017 Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó đã nhấn mạnh việc "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá", "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng", "Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về sức khoẻ; hoàn thành trước thời hạn một số mục tiêu". Đồng thời Nghị quyết đã giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Do đó, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là yêu cầu cần thiết để thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, đưa Nghị quyết số 20-NQ/TW vào cuộc sống.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phân tích những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam kết.
Theo Bộ trưởng, tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Bên cạnh đó, tổn hại sức khoẻ do ngộ độc rượu, bia trong đó có rượu, bia không bảo đảm chất lượng, không kiểm soát được nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 03 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49.
Cũng theo thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia...
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phân tích những tác hại của sử dụng rượu, bia đối với kinh tế.
Sử dụng rượu, bia có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% - 3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp.
Bộ trưởng thông tin: “Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD. Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí y tế trực tiếp cho người bệnh mắc các rối loạn tâm thần do rượu từ 500.000- 1.000.000đ/ngày. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017)”.
Đáng lo ngại là các kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh, thể hiện qua 3 tiêu chí. Trong đó, về mức tiêu thụ, nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít; theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít, lên vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể.
Về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đang gia tăng. Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội với giới trẻ.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại rất đáng lưu tâm: Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 25,1%). Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn. Tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta chiếm khoảng 74,3%, trong đó còn tình trạng người dân dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu.
Bộ trưởng nhấn mạnh, “Bên cạnh những lợi ích do rượu, bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm, việc sử dụng rượu, bia nhiều và thường xuyên tại Việt Nam đang ở mức báo động, tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe và kinh tế - xã hội đang ngày càng trầm trọng và gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng tiêu thụ rượu, bia. Với những ảnh hưởng đến cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế, rượu, bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững”.
Do đó, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Việc ban hành Luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước./.