Cùng dự có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Phiên trọng thể Đại hội XII Công đoàn Việt Nam - Ảnh: Minh Châu
Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Công đoàn Việt Nam vừa thực hiện chức năng và hoàn thành sứ mệnh của một đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động theo cơ chế hai bên và ba bên, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Công đoàn là đoàn thể chính trị - xã hội duy nhất tự thu kinh phí và tự chi kinh phí cho bộ máy và các hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật, không lấy từ ngân sách nhà nước theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế để đảm bảo tính độc lập với Chính phủ trong quan hệ ba bên (Chính phủ, đại diện giới chủ và Công đoàn).
Công đoàn Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra. Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới. Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả, góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tổ chức đầu tư, xây dựng các thiết chế tại những địa phương có nhiều bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, giải trí của công nhân.
Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn được thực hiện với 647.203 cuộc tuyên truyền, thu hút trên 27,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động tham gia. Việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “Xanh- Sạch- Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.
Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU) George Mavrikos
tặng hoa chúc mừng Đại hội - Ảnh: Minh Châu
Công đoàn đã tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức. Triển khai phần mềm quản lý đoàn viên, tiến hành đổi thẻ đoàn viên, tích hợp thẻ đoàn viên có chức năng sử dụng ATM, gắn mã ID và mã Vpoint để hưởng các ưu đãi giảm giá theo Chương trình Phúc lợi đoàn viên.
Công tác tài chính công đoàn có sự chuyển biến mới về tư duy, căn bản, toàn diện, theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Thu tài chính công đoàn tăng đều qua các năm và đột biến ở năm 2017, 2018; triển khai biện pháp thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua một tài khoản.
Hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam đã bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường vị thế của Công đoàn Việt Nam trong phong trào công nhân và công đoàn quốc tế; tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong lĩnh vực lao động, công đoàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, yếu kém. Đó là chất lượng hoạt động công đoàn chưa đồng đều, ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; hiệu quả hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động chưa cao.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ XII 2018 -2023 là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội xác định 3 khâu đột phá: Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội - Ảnh: Minh Châu
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đại hội XII Công đoàn Việt Nam là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân. Trải qua gần 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
“Công đoàn luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập - hòa bình - thống nhất; dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh”, Tổng Bí thư ghi nhận.
Đánh giá cao những kết quả mà Công đoàn Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Tổng Bí thư khẳng định, “thành tích của Công đoàn và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam là rất to lớn và rất đáng tự hào”.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiệm kỳ 5 năm tới, Công đoàn Việt Nam cần chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức; tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp công nhân viên chức lao động nâng cao nhận thức về giai cấp, về Đảng, về tổ chức Công đoàn, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Giáo dục phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, bản lĩnh chính trị của công nhân.
“Cần thống nhất nhận thức rằng, ngày nay lòng yêu nước, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc của công nhân, lao động chính là không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, không ngừng phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mình mỗi công nhân, vì doanh nghiệp ổn định và phát triển vì đất nước phồn vinh”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Muốn làm tốt được nhiệm vụ trên, Tổng Bí thư gợi mở, Công đoàn phải coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác và đời sống công nhân, viên chức lao động. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức cho cán bộ, đoàn viên ưu tú khu vực ngoài nhà nước, học tập nâng cao trình độ chính trị. Đặc biệt, phải kiên trì sáng tạo trong việc tổ chức cho cán bộ đoàn viên, công nhân viên chức lao động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Các đại biểu dự Đại hội - Ảnh: Minh Châu
Công đoàn cần định hướng giáo dục công nhân viên chức lao động giữ vững bản lĩnh có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng cho công nhân lao động trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc, của các thế lực thù địch.
Đồng thời, cần quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới. Xác định đây là điểm then chốt để đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, để đoàn viên và người lao động luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh chương trình Phúc lợi đoàn viên Công đoàn để cụ thể hóa việc thực hiện lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích chính trị mà tổ chức Công đoàn mang lại cho người đoàn viên, lao động, nhất là vấn đề nhà ở, giá điện nước, chăm sóc sức khỏe.
Tổng Bí thư yêu cầu công đoàn cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động công đoàn, kịp thời thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế. Chú trọng công tác đối thoại, thương lượng tập thể và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa chúc mừng Đại hội - Ảnh: Minh Châu
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII của Đảng, Công đoàn Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Thực hiện thí điểm mô hình tổ chức công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân, tổng công ty nhà nước thoái vốn, các doanh nghiệp có cùng chủ sử dụng lao động; mô hình công đoàn cơ sở ghép nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị theo ngành, nghề trên cùng địa bàn; mô hình tập hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
“Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn”, Tổng Bí thư giao nhiệm vụ và yêu cầu các cấp công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; góp ý với đảng viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ với hình thức phù hợp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng.
Tăng cường giới thiệu kết nạp Đảng đối với cán bộ công đoàn xuất sắc, đoàn viên công đoàn ưu tú, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên tiên tiến, nòng cốt trong các doanh nghiệp, đơn vị khu vực ngoài nhà nước.
Tổng Bí thư lưu ý, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân.
Tổng Bí thư tin tưởng, sau Đại hội, phong trào công nhân, viên chức, lao động và Công đoàn nước ta sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng./.