Tỉnh Đắk Nông có 34 dân tộc anh em sinh sống, tập quán sinh hoạt mỗi dân tộc có sự khác biệt rõ rệt, điều này gây khó khăn không nhỏ trong việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe, cải thiện hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe trong nhân dân. Bởi vậy, tỉnh đặc biệt chú trọng tìm hình thức truyền thông phù hợp, hiệu quả trên từng địa bàn. Bên cạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống phát thanh xã, tỉnh tổ chức rất nhiều cuộc nói chuyện, trao đổi chuyên đề về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương với sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh. Trong giai đoạn 2012 - 2016, hơn 4.000 người dân, học sinh đã tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, sau đó, họ lại chính trong vai những tuyên truyền viên đưa các nội dung về vệ sinh yêu nước đến từng thành viên trong gia đình mình, trong thôn, xã…, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phong trào.
Một lớp tập huấn về Mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ tại Đắk Nông. (Ảnh: syt.daknong.gov.vn).
Công tác tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực trong thực hiện vệ sinh yêu nước cũng được Đắk Nông quan tâm triển khai. Các nội dung về: mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; kỹ năng truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… đã được tập huấn cho hơn 1.000 lượt cán bộ y tế thôn, bon, thanh niên, phụ nữ, thợ xây… Những con số tăng trưởng khá ấn tượng trong những năm qua đã phần nào cho thấy hiệu quả của công tác truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực tại Đắk Nông như: tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế tăng từ 21,13% (năm 2012) lên 94,4% (năm 2016); tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình tăng từ 40,2% (năm 2012) lên 65,5% (năm 2016)…
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các đơn vị lồng ghép những hoạt động hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân vào hoạt động của các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia đang được giao đảm trách như: Dự án phòng, chống bệnh truyền nhiễm tiểu vùng sông Mê Kông, Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2012 - 2015… Qua đó, đã tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, nổi bật là sự kiện mít tinh hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân với chủ đề “Chung tay phòng, chống dịch bệnh nâng cao sức khỏe nhân dân” tại 4 xã biên giới là xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức; xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song; xã Thuận An, huyện Đắk Mil; và xã Đắk Wil, huyện Cư Jut. Gắn với các buổi mít tinh là hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tập trung vào một số nội dung chính như: giới thiệu lợi ích, tác dụng và kỹ thuật rửa tay bằng xà phòng đến người dân; tổ chức cho các em nhỏ thực hành rửa tay bằng xà phòng; truyền thông vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…
Chi đoàn Hội LHPN tỉnh Đắk Nông hướng dẫn thiếu nhi tại bon Sa Nar, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong rửa tay đúng cách với xà phòng. (Ảnh: tinhdoandaknong.org.vn)
Mô hình điểm về làng văn hóa sức khỏe của tỉnh cũng đã bước đầu phát huy hiệu quả để có hướng nhân rộng trong thời gian tới. Mô hình này được triển khai tại bon Sapa thuộc xã biên giới Thuận An, huyện Đắk Mil. Đây là bon có 96,25% dân số là người dân tộc M’Nông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Sau khi triển khai các hoạt động xây dựng mô hình làng văn hóa sức khỏe, người dân trong bon đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thực hiện tốt nếp sống văn minh; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu tăng 5,04%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nguồn nước sạch tăng 5,72%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm hợp vệ sinh tăng 7,21%; trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra…
Theo Sở Y tế Đắk Nông, phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành duy trì hoạt động phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân một cách thường xuyên, liên tục, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, chú trọng việc đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, hành động gắn liền với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; xây dựng các giải pháp phù hợp, nhân rộng các mô hình, điển hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai phong trào. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác thực hiện phong trào, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các giải pháp cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cá nhân nâng cao sức khỏe; phê phán những hành vi có hại ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thông qua truyền thông đa phương tiện…, qua đó tiếp tục đưa phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả./.