* Theo Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên, hiện nay, trung bình một tháng có từ 500 – 600 thai phụ đến Bệnh viện SLTS bằng phương pháp xét nghiệm máu và siêu âm nhằm phát hiện sớm các bất thường của thai như: Down, vẹo tay, vẹo chân, sứt môi, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim… Đối với SLSS, trung bình một tháng bệnh viện thực hiện khoảng 400 – 500 ca lấy máu gót chân, 400 ca siêu âm tim và đã phát hiện nhiều ca thiếu men G6PD (bệnh gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động).
Lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh ở Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên. Ảnh: Báo Hưng Yên
Tại Hưng Yên, Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, can thiệp, giảm thiểu sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” được triển khai từ năm 2007 đã và đang mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác SLTS&SS, từ đó tự giác tham gia SLTS&SS.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS –KHHGĐ) tỉnh đã tổ chức tập huấn SLTS&SS cho đội ngũ cán bộ dân số từ tỉnh, huyện, thành phố đến cơ sở và cán bộ y tế chuyên khoa sản các bệnh viện huyện, tỉnh về kỹ thuật lấy máu gót chân; triển khai các hoạt động tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ về mục đích, ý nghĩa của việc lấy máu gót chân trong chẩn đoán bệnh sớm cho trẻ sơ sinh... Qua đó, nhiều người dân đã nhận thức được sự cần thiết của việc SLTS&SS, chủ động đăng ký khám sàng lọc.
* Nhằm nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển xã hội, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác SLTS&SS, giúp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm bệnh tật ở trẻ sơ sinh để các em sinh ra phát triển bình thường, tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ.
Khám sàng lọc trước sinh. Ảnh: soyt.vinhphuc.gov.vn
Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Dự án thực hiện SLTS&SS ở tất cả 137/137 xã, phường, thị trấn đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn. Qua SLTS&SS giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh như: down; rối loạn di truyền; dị tật ống thần kinh; khuyết tật về tim; thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, thần kinh; suy tuyến giáp trạng bẩm sinh và tăng sản thượng thận bẩm sinh... Riêng 8 tháng của năm 2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có hơn 8.837 bà mẹ mang thai được SLTS và 6.127 trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân SLSS.
Thời gian tới, để đẩy mạnh các giải pháp tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường tốt việc tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các đơn vị y tế. Bên cạnh đó, tỉnh phát hiện, quản lý đối tượng phụ nữ mang thai có nguy cơ bị dị tật, các trẻ sơ sinh được chẩn đoán và xác định mắc một số bệnh di truyền, chuyển hóa bẩm sinh để can thiệp kịp thời, góp phần cho ra đời những em bé khỏe mạnh, không dị tật…
* Việc tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số thông qua đẩy mạnh hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh, nhất là bệnh, tật và tử vong có liên quan đến các yếu tố di truyền, nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai tại 12/12 huyện, thành phố với 147/147 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Lâm Đồng.
Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo mạng lưới chuyên trách, cộng tác viên dân số cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại hộ gia đình cho các bà mẹ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về mục đích, ý nghĩa, quy trình cũng như những tác dụng của việc sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.
Kết quả SLTS&SS trong 6 tháng đầu năm 2018, có 12 đơn vị y tế phối hợp thực hiện dịch vụ thực hiện sàng lọc trước sinh cho 4.319 trường hợp trên tổng số 18.182 bà mẹ mang thai, và sàng lọc sơ sinh cho 530 trường hợp trên 9.838 trẻ sinh ra trong phạm vi toàn tỉnh...
Xét nghiệm sàng lọc sau sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu. Ảnh: Báo Nam Định.
* Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nam Định, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với cán bộ y tế cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền SLTS&SS bằng nhiều hình thức: tư vấn trực tiếp với thai phụ khi thăm khám, tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ để tuyên truyền cho hội viên; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ y tế cơ sở tham gia các lớp tập huấn thực hành lấy máu gót chân, sử dụng máy đo độ bão hòa Oxy trong máu…
Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, từ đầu năm 2018 đến nay Chi cục DS-KHHGĐ còn trang bị thêm 2 máy đo độ bão hòa Oxy trong máu cho Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam và Phòng khám Tháp Chàm. Đến nay, hầu hết các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều có trang thiết bị thực hiện SLTS&SS. Dần dần, nhận thức của người dân được nâng cao nên việc kiểm tra thai kỳ và SLSS được nhiều bà mẹ quan tâm. Các gia đình không còn e ngại khi lấy máu gót chân của trẻ ngay sau sinh, hơn thế nữa, nhiều người còn mong muốn con, cháu mình được sàng lọc bệnh sớm dù là làm theo phương thức dịch vụ thu phí.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, trong tháng 4/2018, một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn và Trung tâm Y tế huyện Ninh Hải phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Bionet Việt Nam triển khai chương trình SLSS theo hình thức xã hội hóa./.