*Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định, chương trình TCMR được triển khai từ nhiều năm nay trên địa bàn đã khẳng định được hiệu quả và tính ưu việt trong việc phòng tránh các bệnh nói chung, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói riêng theo thời điểm, theo mùa như: lao, viêm gan B, bại liệt, sởi-rubella, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, uốn ván sơ sinh... Từ khi triển khai, chương trình TCMR ở Nam Định luôn được duy trì với tỷ lệ hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng, đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ trẻ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn có vắc-xin dự phòng đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần. Đặc biệt, từ năm 1998 đến nay tỉnh luôn duy trì tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi các loại vắc-xin từ 95-98% ở mọi đối tượng. Năm 2017, toàn tỉnh có 31.020/32.647 trẻ trong diện tiêm chủng được tiêm chủng đầy đủ. Trong 8 tháng đầu năm 2018 có 21.450/33.756 trẻ được tiêm chủng đầy đủ.
Lãnh đạo Sở Y tế Nam Định kiểm tra công tác tiêm vắc-xin Sởi - Rubella
cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Đồng Sơn (Nam Trực). Ảnh: Báo Nam Định.
Để nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là những loại vắc-xin mới được đưa vào tiêm chủng, định kỳ, Sở Y tế chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, thực hiện tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, truyền thông tư vấn trực tiếp đến người dân và cộng đồng về lợi ích của một số loại vắc-xin mới được đưa vào chương trình TCMR trong từng năm, lịch tiêm chủng, tính an toàn của vắc-xin… nhằm triển khai hiệu quả, đạt tỷ lệ cao công tác TCMR. Cùng với công tác tuyên truyền, hằng năm, Sở Y tế thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về kỹ năng giám sát phản ứng sau tiêm, quản lý, tổ chức, thực hành tiêm chủng, quản lý dây chuyền lạnh và triển khai các quyết định mới của Bộ Y tế về quy định sử dụng vắc-xin trong phòng và điều trị bệnh.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng Nam Định đã tổ chức 6 lớp tập huấn về an toàn tiêm chủng cho hơn 500 cán bộ tham gia công tác an toàn tiêm chủng tuyến xã. Bên cạnh đó, Sở Y tế thường xuyên tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng công tác an toàn tiêm chủng cho cán bộ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Về công tác bảo quản vắc-xin, tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có 10 tủ bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ +2 đến +8 độ C, có phương tiện để kiểm tra nhiệt độ bảo quản và được cấp phát xuống các huyện vào ngày tiêm chủng hằng tháng. Ở 10 huyện, thành phố cũng được trang bị các tủ bảo quản vắc-xin. Trong các đợt chiến dịch tiêm chủng, ngành Y tế tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ tại các điểm tiêm chủng để quản lý vắc-xin, vật tư, kỹ thuật thực hành tiêm chủng, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả, chất lượng cho trẻ em.
*Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Ninh Bình về TCMR được nâng lên rõ rệt. Các gia đình đã ý thức hơn trong việc tự nguyện đưa con em mình đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đầy đủ các mũi, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo thời điểm, theo mùa.
Trẻ em được khám sàng lọc trước khi tiêm tại Trạm y tế xã Thượng Hòa (Nho Quan).
Ảnh: Báo Ninh Bình
Theo đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mỗi năm, tỉnh Ninh Bình có hàng chục nghìn liều vắc xin được tiêm phòng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Từ 6 loại vắc xin ban đầu, hiện nay, đã có hàng chục loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em được đưa vào chương trình TCMR, bao gồm: Vắc xin phòng bệnh lao, viêm gan B liều sơ sinh, vắc xin phòng 5 bệnh Quinvaxem, vắc xin phòng bại liệt, vắc xin phòng sởi-rubella, vắc xin DPT, vắc xin phòng tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, uốn ván sơ sinh…
Nhờ tích cực công tác tuyên truyền, vận động, với hàng chục loại vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ, phần lớn các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm thường gặp đã được phòng tránh hiệu quả. Việc tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng được đảm bảo công bằng giữa các địa phương, đặc biệt đối với các địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, công tác TCMR càng được ưu tiên hơn. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho trẻ trong chương trình TCMR liên tục tăng cao, hiệu quả phòng, chống các loại bệnh như: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib,... được nâng lên rõ rệt. Nhiều loại bệnh được đẩy lùi và thanh toán như bệnh bại liệt, đã loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi, giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi dưới 1%, tỷ lệ trẻ được tiêm các loại vắc xin duy trì và đạt hơn 90%...
*Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ngày càng cao của nhân dân, cùng với 278 điểm tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và 15 điểm tiêm tại bệnh viện, Trung tâm y tế hai chức năng huyện, toàn tỉnh Phú Thọ hiện còn có 19 điểm tiêm chủng dịch vụ. Ngoài sự tăng thêm về số lượng các điểm tiêm chủng, chất lượng tiêm chủng cũng được các cơ sở y tế đặc biệt quan tâm. Với đội ngũ trên 1.500 cán bộ phụ trách tiêm chủng từ tỉnh đến cơ sở, ngành Y tế đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt ở tuyến xã, ngành Y tế đã tổ chức, phân công các cộng tác viên y tế phụ trách theo dõi từng khu có trách nhiệm thông báo đến các gia đình có trẻ nhỏ khi có những đợt, chiến dịch tiêm chủng diễn ra.
Tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ.
Ảnh: Báo Phú Thọ
Việc duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát trong tiêm chủng được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Công tác giám sát hỗ trợ chuyên môn tuyến trên đối với tuyến dưới và đối với hệ thống bệnh viện đã góp phần đảm bảo an toàn tiêm chủng. Vì thế, 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99%. Đặc biệt Phú Thọ tiếp tục duy trì tỷ lệ trẻ sau sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h sau sinh đạt khoảng 90%.
Nhằm đạt mục tiêu tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 99,5%; trên 95% trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm Sởi - Rubella và Quinvaxem mũi 4; 100% số huyện đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh… Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Trước mắt tiếp tục nâng cao năng lực mạng lưới TCMR từ tỉnh tới cơ sở. Theo đó, ngành Y tế sẽ rà soát để mỗi năm mở thêm từ 15-20 lớp tập huấn, đào tạo mới và đào tạo lại bằng hình thức cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về kiến thức, kỹ năng triển khai TCMR. Duy trì hình thức TCMR thường xuyên kết hợp tổ chức các chiến dịch tiêm chủng nhằm đảm bảo tỷ lệ trên 99% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ.
Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống giám sát các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi và các bệnh khác trong TCMR tại các bệnh viện, phòng khám. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp tài liệu truyền thông tới các cơ sở y tế, tăng cường tuyên truyền lồng ghép các hoạt động mạng lưới cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên các ngành, đoàn thể. Đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng hoặc tử vong liên quan đến tiêm chủng thì các đơn vị có trách nhiệm báo cáo nhanh trong vòng 24 giờ, sau đó sẽ tiến hành điều tra đầy đủ để có kết luận kịp thời tránh gây hoang mang trong nhân dân. Các cơ sở tiêm chủng thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình trạng sử dụng dây chuyền lạnh, phối hợp với dự án TCMR Quốc gia bảo dưỡng, sửa chữa hoặc mua bổ sung từ kinh phí của chương trình./.