Giám sát để thúc đẩy hoạt động tốt lên chứ không phải gây khó dễ cho ngành thuế

Thứ năm, 13/09/2018 16:15
(ĐCSVN) - Đó là nhấn mạnh của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khi dẫn đầu đoàn công tác giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan tại Tổng cục Thuế vào sáng 13/9.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh:TH)

Tham dự buổi giám sát có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, việc cải cách hành chính thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đã được cụ thể hóa thành các hoạt động, gắn với từng vụ, đơn vị, từng chức năng, nhiệm vụ quản lý thuế để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính thuế. Tổng cục Thuế đã đề xuất sửa đổi các thể chế, chính sách và thủ tục hành chính thuế; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý thuế và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế.

Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính đến ngày 31/8/2018 đã có 262.242 doanh nghiệp (DN), đạt 99,93% tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trên 54,2 triệu hồ sơ; số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 668.297 DN, đạt tỷ lệ gần 98%; dịch vụ hoàn thuế điện tử được 5.918/6668 DN hoàn thuế, đạt 88,75%. Hồ sơ tiếp nhận đạt gần 93%. Tổng số hồ sơ đã giải quyết hoàn là gần 11.000 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn trên 57.200 tỷ đồng. Việc hoàn thuế điện tử đã giúp việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho DN nhanh chóng, đơn giản, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và DN, hạn chế tiêu cực trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Với những nỗ lực cải cách của cơ quan thuế trong thời gian qua, kết quả đã được Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng DN đánh giá cao. Theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, năm 2018, chỉ số nộp thuế đã tăng 81 bậc, từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế, đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN. Khảo sát đánh giá sự hài lòng của DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, Chỉ số hài lòng của DN đối với cải cách hành chính (CCHC) thuế năm 2016 là 75/100 điểm (so với năm 2014 là 71/100). Hội đồng CCHC của Chính phủ đánh giá về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính APCI 2018 mới công bố vừa qua, chi phí tuân thủ trung bình về thực hiện thủ tục hành chính thuế đứng thứ 1 trong 8 nhóm thủ tục hành chính được đưa vào đánh giá với mức chi phí thấp nhất (chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế chỉ là 73,75 ngàn đồng do các thủ tục này cơ bản được thực hiện qua mạng nên không phát sinh thời gian in ấn, đi nộp tờ khai...).

Tuy vậy, công tác thuế vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục. Cơ quan thuế phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người nộp thuế để tiếp tục giảm số giờ nộp thuế của DN Việt Nam theo chuẩn quốc tế mà Ngân hàng thế giới đánh giá. Trong đó quan trọng nhất là phải tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy định về chính sách, thủ tục hành chính thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi dịch vụ thuế điện tử đến các cá nhân, người khai thuế trước bạ, kết nối thông tin trao đổi với các bộ ngành, các ngân hàng, các cơ quan chi trả. Kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp gian lận, trốn thuế mà không làm phiền đến các DN tuân thủ tốt, đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ các nguồn thu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với các giao dịch xuyên biên giới, phi truyền thống. Phòng chống các hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị là thu ngân sách nhà nước với tỷ trọng số thu nội địa ngày càng tăng.

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính có nhiều biện pháp quyết liệt để cải cách trong lĩnh vực thuế từ thể chế, thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian nộp thuế cho người nộp thuế. Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ thuế; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của cán bộ thuế đối với người nộp thuế và thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ thuế theo tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; lấy kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu cải cách.

Giải đáp ý kiến của các đại biểu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam thông tin, trong chính sách thuế có 10 luật thuế, 55 triệu đối tượng nộp thuế, tới đây sẽ có một cửa điện tử để giải thích các chính sách thuế cho người nộp thuế. Những người nộp thuế dưới 50.000 đồng/năm tới đây sẽ cho miễn hết để bảo đảm thông suốt của hệ thống điện tử, vì nếu thu thì gây ách tắc mạng. Tổng cục Thuế sẽ tập trung phát triển đại lý thuế - cánh tay nối dài của ngành thuế, bao gồm cả việc giải thích chính sách thuế. Ngành thuế sẽ đưa quản lý thuế theo thông lệ quốc tế. Phấn đấu làm sao người nộp thuế dù ở đâu cũng khai thuế được - khai thuế điện tử.

Đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, biên chế ngành thuế không tăng từ năm 2010 trở về trước; từ năm 2014 đến nay giảm, đến năm 2020 phải giảm 10% biên chế, trong khi đó đối tượng nộp thuế tăng gấp 5 lần. Khối lượng công việc của ngành thuế rất lớn dù xu hướng là điện tử hóa. Quản lý thuế ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang rất căng vì thiếu người. Giải pháp ngành thuế đưa ra là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cường độ làm việc của cán bộ thuế…

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại nơi làm việc của Tổng cục Thuế. (Ảnh:TH)

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ của ngành thuế, từ khai thuế, nộp thuế đến hoàn thuế đều qua điện tử. Đó là minh chứng rõ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Sự CCHC của ngành thuế trong 3 năm qua chỉ đứng sau Ngân hàng Nhà nước, nhưng đứng nhất về tuân thủ chi phí thủ tục hành chính. Điều đó thể hiện qua kết quả thu thuế trong những năm gần đây. Sản xuất kinh doanh phát triển thì phải thu được thuế để bảo đảm thu-chi. Mục tiêu cuối cùng là phải bảo đảm nâng cao đời sống của người dân. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều trông chờ vào kết quả thu thuế. 

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị ngành thuế đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách thuế, CCHC thuế để người dân, DN thực hiện tốt nhất. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tinh giản biên chế, đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, để làm sao máy móc thay thế con người, hạn chế thấp nhất việc người nộp thuế phải gặp cán bộ thuế, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu, bởi thuế là lĩnh vực nhạy cảm.

Đồng thời đẩy mạnh CCHC, chống thất thu thuế, nợ thuế. Tuyên truyền để người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ về nghĩa vụ nộp thuế. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế tiêu cực trong ngành thuế. Trong đó, có vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận và các tổ chức thành viên để tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành thuế. “Giám sát để thúc đẩy hoạt động tốt lên chứ không phải giám sát để gây khó dễ cho ngành thuế” – Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, ngành thuế tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ của cán bộ thuế, trong thời đại hội nhập cán bộ thuế phải biết ngoại ngữ, am hiểu luật pháp, vừa có đức, vừa có tài để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới./.

Thành Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực