Hà Nội đề xuất nhiều nội dung về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thứ hai, 12/11/2018 22:21
(ĐCSVN) – Tại buổi làm việc, Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường một số nội dung như: Cần xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bổ sung thêm các quy định quản lý đặc thù riêng đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp,...

Ngày 12/11, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực, Phó Trưởng ban chỉ đạo sơ kết Nghị quyết 24-NQ/TƯ ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã làm việc với Thành ủy UBND TP Hà Nội.

Báo cáo với đoàn công tác, 5 năm thực hiện Nghị quyết 24, cùng với nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, Hà Nội đã xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, thực hiện cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu theo kết quả kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Khánh Chi)

Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; tăng cường kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; tập trung xử lý ô nhiễm các hồ nội thành bằng chế phẩm Redoxy-3C; hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ những giải pháp trên đây, Hà Nội đã giảm mức phát thải khí nhà kính, hoàn thành mục tiêu từ 8 đến 10% trên đơn vị GDP so với năm 2010.

Về quản lý tài nguyên, Thành phố bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,5%; quản lý theo quy hoạch 92.000 ha đất trồng lúa; hoàn thành công tác lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo hướng hiện đại… Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tập trung xây dựng và hoàn thành công tác lập hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu.

Hoàn thành việc xử lý ô nhiễm 25/25 cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; thu gom và xử lý 90% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây đạt 98%, của 17 huyện ngoại thành đạt 89%; 100% dân cư đô thị, gần 55% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; diện tích cây xanh đô thị đạt 10-12 m2/người theo quy hoạch.

UBND thành phố đã phê duyệt 14 vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cho các tổ chức, cá nhân; phê duyệt cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Tiếp tục phát triển mạng lưới quan trắc theo dõi diễn biến chất lượng nước mặt, chất lượng, trữ lượng nguồn nước dưới đất.

Tổ chức mô hình thí điểm tuyên truyền hạn chế sử dụng bếp than tổ ong. Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thay thế 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng trên địa bàn  thành phố.

Tại buổi làm việc, Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường một số nội dung như: Cần xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bổ sung thêm các quy định quản lý đặc thù riêng đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.

Cần ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phân cấp hơn cho các địa phương và ban hành các cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với các công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm.

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường cho các địa phương để thực hiện các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án xử lý chất thải và khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ban hành tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động trong khu dân cư để phù hợp với thực tế.

Hướng dẫn xây dựng trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh, phù hợp với mạng lưới quốc gia và các quy chuẩn môi trường hiện hành./.

Khánh Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực