Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TA)
Sáng 17/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sau 5 năm triển khai, thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đạt được những kết quả toàn diện. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn xác định: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là một trong ba khâu đột phá của thành phố mà văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đã chỉ rõ.
Thành phố luôn quan tâm, tạo mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục và các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục. Hết năm 2017, tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia của toàn thành phố đã đạt 52% (trong đó công lập là 62%, dự kiến hết năm 2018 sẽ đạt 66%. Cùng đó, mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư, đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường và đảm bảo chuyên môn, năng lực sư phạm…
Đặc biệt, 5 năm qua, hệ thống giáo dục trường tư thục trên địa bàn Hà Nội phát triển mạnh. Năm 2018-2019, Hà Nội có 520 trường tư thục với gần 255.000 học sinh, trên 28.000 giáo viên, so với 5 năm trước thì đã tăng 145 trường học, tăng 127.518 học sinh, tăng 13.423 giáo viên và tăng 7.779 phòng học…
Cùng với đó, Hà Nội cũng rất quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực GD&ĐT; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong GD&ĐT, nhất là đã thí điểm mô hình trường chất lượng cao, trường đào tạo song bằng; tích cực thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực GD&ĐT…Tất cả những kết quả đó đã đưa Hà Nội tiếp tục trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực GD&ĐT.
Cùng với những kết quả đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, ngành GD&ĐT Thủ đô cũng còn không ít tồn tại, hạn chế như: nhiều phường của các quận ven đô có số lớp học/ trường, học sinh/ lớp vượt quá quy định điều lệ trường học; cơ sở vật chất của các trường ngoài công lập không ổn định, chủ yếu phải thuê mượn, thường xuyên thay đổi địa điểm; trình độ chuyên môn và chất lượng đội ngũ giáo viên còn có sự chênh lệch giữa các vùng; việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa hiệu quả; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu…
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TA)
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Thành phố quan tâm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, qua đó đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo và các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo…
Đồng chí Nguyễn Thanh Long đề nghị, trong thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề truyền thông, phổ biến nghị quyết liên quan đến giáo dục, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục để mỗi người dân hiểu được chủ trương trong đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp GD&ĐT; tăng cường đổi mới đội ngũ giáo viên đạt cao hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp đổi mới; tiếp tục củng cố, hoàn thiện, quan tâm công tác thi cử, giảm tải được các kỳ thi; chú trọng xây dựng cơ sở đào tạo giáo dục dạy nghề có địa chỉ…. Đặc biệt tiếp tục sự nghiệp đổi mới giáo dục từ phương pháp, cách làm, dự báo được sự thay đổi dân số để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước ta trong kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, kinh tế tri thức, phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn, tạo bước chuyển mạnh hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Do đó đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 29 và đặc biệt là phương pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết cần bảo đảm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn Thủ đô và sự vận động không ngừng của xã hội. Sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu. Trong đó tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp. Chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, lối sống, tác phong mẫu mực của nhà giáo, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: TA)
Bí thư Hoàng Trung Hải lưu ý đến việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, hội khuyến học, hội cựu giáo chức, phát huy dân chủ trong các nhà trường tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và các em học sinh; nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp học nghề và phân luồng học sinh sau trung học. Tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào công tác định hướng, phân luồng. Tham gia phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Chú trọng đào tạo gắn với thực hành và nhu cầu xã hội; tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”./.