Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và Chỉ thị số 52/CT-UBND ngày 27/12/2012 của Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng về việc triển khai phong trào tại địa phương, các cấp, các ngành trên toàn Thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kêu gọi ý thức, trách nhiệm của nhân dân thông qua những hành động cụ thể cùng tham gia giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe cộng đồng như: Vệ sinh phòng, chống dịch bệnh; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn vệ sinh lao động…
Thành phố đã triển khai chiến dịch tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, của từng đơn vị, cơ quan, gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng, sử dụng các công trình vệ sinh hợp vệ sinh, thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng chống dịch bệnh; tổ chức mít tinh phát động Chiến dịch truyền thông vận động cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường; treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, hệ thống loa phát thanh của quận, huyện, xã, phường về thực trạng vệ sinh môi trường, tình trạng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, tình hình dịch bệnh và nguy cơ lan truyền…; đồng thời, thực hiện tuyên truyền cổ động công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh…
Một lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông
về thu gom và xử lý rác thải nông thôn tại Hải Phòng. (Ảnh: hoinongdan.org.vn)
Bên cạnh đó, công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân được Thành phố hết sức chú trọng. Trong giai đoạn 2012 - 2016, Thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn với các nội dung đa dạng: Tập huấn về truyền thông cho giáo viên tiểu học về Dự án “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh”; tập huấn đào tạo chuyên môn triển khai dự án truyền thông y tế học đường; tập huấn phòng, chống dịch bệnh trong trường học và kỹ năng truyền thông cho tuyến huyện và cán bộ, giáo viên của trường tiểu học; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý trạm cấp nước nông thôn... Thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực đã góp phần giúp người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh không phù hợp, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; bảo đảm an toàn vệ sinh trong lao động để phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Đáng chú ý, một số mô hình, dự án gắn với Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân đã được Thành phố triển khai có hiệu quả. Có thể kể đến Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 do Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hải Phòng triển khai thực hiện. Qua chương trình, 100% các xã đều có công trình vệ sinh, công trình cấp nước; tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt mức 80,15%. Bên cạnh đó, dự án “Rửa tay bằng xà phòng” do Trung tâm Y tế dự phòng TP Hải Phòng triển khai thực hiện với nhiều hoạt động truyền thông về rửa tay bằng xà phòng lồng ghép với các hoạt động khác như: Tư vấn dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng... tại cộng đồng đã góp phần đáng kể trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Các cô giáo Trường tiểu học Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng)
hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng. (Ảnh: baohaiphong.com.vn)
Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực trong triển khai thực hiện, Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2012 - 2016 tại Hải Phòng đã đạt được một số kết quả khả quan. Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình nông thôn tại địa phương tăng dần qua các năm, từ 64% năm 2012 lên 86,9% vào năm 2016; tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế năm 2012 đạt 84,3%, đến năm 2016 là 98,12%; số lượng đơn vị thực hiện quan trắc môi trường lao động có sự tăng trưởng, năm 2012 chỉ có 21 đơn vị, đến năm 2016 đạt 80 đơn vị; số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp năm 2012 là 1.409, đến năm 2016 là 2.304 người...
Theo Sở Y tế TP. Hải Phòng, từ nay đến năm 2021, Thành phố hướng đến tiếp tục nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội trong việc triển khai phong trào; tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai phong trào; thực hiện tổng kết rút kinh nghiệm và triển khai các mô hình đã thực hiện hiệu quả, từ đó tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe./.