Đó là mong muốn của nhiều đại biểu “Sinh viên 5 tốt” (Học tập tốt – Đạo đức tốt – Tình nguyện tốt – Hội nhập tốt – Thể lực tốt”) tiêu biểu cấp Trung ương tại buổi Tọa đàm: Giải pháp phát triển phong trào “Sinh viên 5 tốt” do Ban thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chiều 9/11, tại Hà Nội.
Phát biểu trước 50 đại biểu “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu cấp Trung ương trên cả nước và cán bộ chủ chốt Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong cho biết: Tọa đàm là dịp để các đại biểu giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trên hành trình vươn tới danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”; đồng thời phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu nhằm phát triển phong trào “Sinh viên 5 tốt” giai đoạn 2018 – 2023.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong
phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Châu)
05 năm triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” (2013-2018), với khoảng hơn 800.000 sinh viên mỗi năm đăng ký tham gia phong trào, đăng ký xét duyệt danh hiệu, đã có hơn 53.000 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp, trên 300 “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Những tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương rất thiết thực với mục tiêu, quá trình đào tạo ở Việt Nam, đồng thời đã giúp ích cho mỗi sinh viên trong hành trình tích lũy tri thức, để mỗi bạn có thêm điều kiện để hoàn thiện bản thân. Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đã trở thành danh hiệu cao quý của sinh viên Việt Nam, được đưa vào hệ thống khen thưởng cấp Quốc gia.
“Giáo dục đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nhiều bạn trẻ đã đặt ước mơ, khát vọng không chỉ tham gia vào thị trường lao động trong nước mà còn sẵn sàng đối diện, chinh phục và cạnh tranh với lao động ở nhiều tập đoàn lớn. Trong chặng đường phát triển của bản thân, “Sinh viên 5 tốt” sẽ là một trong những cơ hội đồng hành tốt để người trẻ đạt được ước mơ, khát vọng đã được xác lập trong hành trình học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam nói.
Theo sinh viên Nguyễn Thị Hồng Cúc, Đại học Xây dựng miền Tây, sau khi đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, thay vì tham gia hoạt động để duy trì danh hiệu, Cúc đã tham gia các hoạt động để cống hiến cho Hội Sinh viên, cổ vũ các sinh viên khác phấn đấu đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”.
Đại biểu nêu ý kiến tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Châu)
“Mỗi “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương hãy là những nhân tố tích cực trong việc phát hiện, bồi dưỡng và dẫn dắt các sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Thời gian qua, Hội Sinh viên các cấp đã hỗ trợ sinh viên rất nhiều, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận, đạt được những tiêu chí của danh hiệu. Tuy nhiên, để đạt được thì quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của mỗi cá nhân”, Hồng Cúc nói.
Góp ý ở góc độ cán bộ Hội, cựu Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho rằng, nên đặt ra tiêu chí mỗi cán bộ Hội phải từng là “Sinh viên 5 tốt”, từ đó mới có đủ kinh nghiệm, thực tiễn để thuyết phục, vận động sinh viên tham gia phong trào.
Đề cập đến mạng lưới kết nối “Sinh viên 5 tốt”, cựu sinh viên Đại học Hồng Đức Vũ Đức Anh – “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm 2016 đánh giá cao tính thiết thực của mạng lưới này, đây là kênh chia sẻ kinh nghiệm cho các sinh viên rất hiệu quả, động viên sinh viên phấn đấu rèn luyện vươn tới danh hiệu cao quý, đồng thời, đưa “Sinh viên 5 tốt” trở thành nguồn nhân lực 5 tốt, cống hiến cho xã hội.
Nhiều đại biểu đề xuất nguyện vọng sớm có một cộng đồng “Sinh viên 5 tốt” bao gồm các “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành tại mỗi địa phương. Trong đó, “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương là đầu tàu dẫn dắt các hoạt động. Cộng đồng này sẽ xây dựng các công trình, phần việc ý nghĩa, mang thương hiệu riêng của “Sinh viên 5 tốt” mỗi tỉnh, thành, thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên và giúp đỡ nhau khởi nghiệp, lập nghiệp góp phần lan tỏa phong trào ý nghĩa này./.