Hòa Bình: Nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Thứ hai, 22/10/2018 16:33
(ĐCSVN) - Đây là mục tiêu được đề ra tại Kế hoạch số 101/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình nhằm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Mục tiêu chung của Kế hoạch cũng nêu rõ việc chuyển trọng tâm chính sách từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con; đưa chỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Về mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, tỉnh Hòa Bình phấn đấu từ nay đến năm 2025, tỷ số giới tính khi sinh dưới 112 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; 70% cặp kết hôn được xét nghiệm gen bệnh tan máu bẩm sinh và tư vấn phòng bệnh cho thế hệ sau; 75% vị thành niên/thanh niên hiểu biết cơ bản về một số vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình; giảm bình quân 1,5-2%/ năm tỷ lệ tảo hôn; 50% phụ nữ mang thai, 70% trẻ sơ sinh được sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh các bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 73,5 tuổi; 70% người cao tuổi được cung cấp kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe; 98% dân số của tỉnh được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn tỉnh.

Các lực lượng diễu hành tuyên truyền về công tác dân số và giảm thiểu
tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở TP Hòa Bình. (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Đến năm 2030, duy trì con số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dưới 2,1 con. Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên dưới 7%; quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 936.000 người; tỷ số giới tính khi sinh 107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%; 90% cặp kết hôn được xét nghiệm gen bệnh tan máu bẩm sinh và tư vấn phòng bệnh cho thế hệ sau; 100% vị thành niên/thanh niên hiểu biết cơ bản về một số vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình; 90% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Phấn đấu tỷ lệ tảo hôn của Hòa Bình ở mức bình quân chung của toàn quốc; giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai, 90% trẻ sơ sinh được sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh các bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt mức trung bình của cả nước là 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. 100% dân số của tỉnh được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn tỉnh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Hòa Bình sẽ thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp về: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân số; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về chính sách dân số; thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số; tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong đó, ngành y tế cần chú trọng phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân. Phát huy vai trò mạng lưới y tế tư nhân nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận dịch vụ về dân số. Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ về dân số, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ y sinh học, công nghệ thông tin trong triển khai và quản  lý dịch vụ về dân số.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình yêu cầu việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng năm và từng giai đoạn, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế của cơ quan, đơn vị, địa phương./.

Thùy Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực