* Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, sau hơn 1 năm thực hiện Đề án “Phát triển công tác y tế theo hướng xã hội hóa nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020”, đối với các bệnh viện tuyến công lập đã lập kế hoạch và triển khai phương án tự chủ, có 7 đơn vị khám, chữa bệnh (KCB) được phê duyệt phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị y tế công lập đã thực hiện xã hội hóa dưới nhiều hình thức.
Trong đó, xã hội hóa trang thiết bị y tế theo hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn đã góp phần quan trọng giúp người bệnh được thụ hưởng các kỹ thuật KCB tiên tiến. Tính đến ngày 27/4, đã có 22/35 đơn vị KCB thực hiện xã hội hóa theo hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn cho thuê thiết bị. Hiện, nhiều kỹ thuật y tế cao cũng đã được triển khai hiệu quả ở tuyến dưới, tỉ lệ người bệnh phải chuyển tuyến giảm đáng kể.
Cán bộ y tế thực hiện kỹ thuật mới siêu âm gây tê với
trang thiết bị hiện đại tại bệnh viện 115 Nghệ An. Ảnh: baonghean.vn
Xã hội hóa y tế ngoài công lập cũng ghi nhận nhiều kết quả quan trọng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực, đặc biệt là dịch vụ KCB đa dạng, chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 11 bệnh viện ngoài công lập (chiếm 24,4% cơ sở KCB), 271 phòng khám chuyên khoa tư nhân và các loại hình khác. Trong năm 2017, các bệnh viện đã đầu tư 72 tỉ đồng để mua sắm 479 thiết bị.
Trang thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả công tác KCB góp phần mang lại nguồn thu lớn cho nhiều bệnh viện ngoài công lập nên đã thu hút được nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế tài năng. Theo đó, hiện có tổng số 1.358 cán bộ y tế (chiếm tỉ lệ hơn 10% so với nhân lực y tế toàn tỉnh), trong đó có 436 bác sĩ (chiếm 18% so với bác sĩ toàn tỉnh). Năm 2017, các bệnh viện ngoài công lập đã khám cho 600.240 lượt người, chiếm 13% số lượt khám của toàn ngành; điều trị nội trú cho 54.605 lượt bệnh nhân, chiếm 11% số lượt điều trị nội trú của toàn ngành.
* Tính đến hết tháng 4/2018, toàn tỉnh Bắc Giang có 17/17 bệnh viện được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án xã hội hóa và 05 bệnh viện đã có quyết định điều chỉnh, bổ sung Đề án xã hội hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa các huyện Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam). Trong đó, có 02 bệnh viện thành lập được Khoa khám bệnh theo yêu cầu riêng biệt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi).
Hầu hết các bệnh viện đã nỗ lực trong việc thực hiện mời các thầy thuốc có tay nghề cao ở các Bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện E, Bệnh viện Phụ sản Trung ương...) về khám, phẫu thuật theo yêu cầu. Có 14/17 (trừ Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Nam, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Y học cổ truyền) đã cải tạo buồng bệnh có sẵn trong bệnh viện, lắp đặt, trang bị điều hòa, tủ lạnh, giường bệnh... để làm buồng bệnh yêu cầu. Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được các bệnh viện quan tâm đầu tư để phục vụ các hoạt động xã hội hóa bằng nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu từ liên doanh, liên kết, thuê máy... như: Hệ thống chụp cộng hưởng từ, chụp CT Scanner, hệ thống xét nghiệm sinh hóa, nội soi tiêu hóa...
* Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh dành nguồn lực lớn đầu tư cho lĩnh vực Y tế, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ y tế. Nhờ đó, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Người bệnh đang được xạ trị tại Trung tâm Xạ trị, Bệnh viện Bãi Cháy với trang thiết bị hiện đại.
Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được 50% danh mục kỹ thuật tuyến trung ương; nhiều kỹ thuật khó trước đây chỉ thực hiện ở tuyến trung ương nay đã được thực hiện thường quy ở Quảng Ninh. Năm 2015, Quảng Ninh đã khánh thành Trung tâm Xạ trị ung thư nằm trong Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Ung bướu của tỉnh tại Bệnh viện Bãi Cháy, với tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Ung bướu của tỉnh tại Bệnh viện Bãi Cháy, quy mô 200 - 300 giường bệnh. Đến nay, Bệnh viện Bãi Cháy đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho những người bị ung thư không chỉ Quảng Ninh, mà còn ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Năm 2017, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã làm chủ được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Cùng với hệ thống bệnh viện công lập, ngành Y tế Quảng Ninh cũng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung mới các trang thiết bị y tế hiện đại, giúp nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị của các cơ sở y tế. Theo thống kê của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 bệnh viện tư nhân (Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long); 12 phòng khám đa khoa tư nhân; 232 phòng khám chuyên khoa; 95 phòng chẩn trị; 22 phòng khám chẩn đoán hình ảnh; 5 phòng xét nghiệm; 1 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; 58 cơ sở dịch vụ y tế; 727 cơ sở hành nghề dược.
Điều dễ dàng thấy được lợi ích của xã hội hóa dịch vụ y tế là thu hút được nguồn vốn đầu tư cũng như nguồn nhân lực cho ngành Y tế Quảng Ninh, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế công lập; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hình thành các dịch vụ y tế chất lượng. Ngay cả với các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh, gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Đa khoa khu vực Cẩm Phả cũng chuyển sang thực hiện tự chủ 100% kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm 2018./.