Đây là một trong những nội dung của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ năm, khoá XI diễn ra trong hai ngày 17 và 18/9 tại Bắc Ninh.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ năm, khoá XI. (Ảnh: Châu Anh)
Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội là một trong 10 đề án trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2017 – 2022 đã đề ra.
Góp ý cho Đề án này, từ thực tiễn đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn của thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn chia sẻ, từng địa phương có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng khác nhau, chỉ có địa phương mới hiểu cần đào tạo như thế nào để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, các hoạt động Đoàn, Hội, Đội của địa phương đó. Vì vậy, các địa phương cần chủ động trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ, cấp cơ sở cần chủ động, liên hệ với cấp tỉnh, thành Đoàn để tổ chức tập huấn, mở các lớp tập huấn cho phù hợp với từng địa phương.
Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Phạm Tuấn Vinh nêu quan điểm, việc bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp tỉnh nên để linh hoạt, không nên triển khai theo khung có sẵn, đồng thời, cần tính đến những yếu tố mang tính đặc thù. “Với địa bàn rộng lại có đông thanh niên dân tộc như Nghệ An thì cần thiết phải tính đến sự phù hợp với đặc thù của địa phương”, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An ví dụ.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp Nguyễn Tường Lâm đề nghị, cần đổi mới phương thức đào tạo nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến, xây dựng phần mềm với các nội dung có tính tương tác cao. Có như vậy, học viên sẽ nhớ lâu, nắm chắc kiến thức, kỹ năng được truyền đạt.
Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Thọ Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội, điều quan trọng nhất là đào tạo các kỹ năng, trong đó tập trung sâu kỹ năng giao tiếp, quản lý, xây dựng kế hoạch. Cách đào tạo hiệu quả nhất là để đội ngũ cán bộ Đoàn thử thách, trải nghiệm thực tiễn công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương.
Cho ý kiến về Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội giai đoạn 2018 – 2022, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh, Đề án cần chú trọng khâu đánh giá năng lực, đánh giá đúng, trúng hiện trạng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp, từ đó xác định nội dung được đào tạo, bồi dưỡng qua từng năm và có lộ trình hợp lý. Lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn – Hội – Đội đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới, cập nhật, bổ sung kiến thức, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng.
“Phải đánh giá được kết quả đào tạo, bồi dưỡng qua từng lớp. Có một thang đo cụ thể cho chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Phương pháp truyền đạt phải có sự đầu tư, đổi mới như: học trực tuyến, đa dạng đối tượng, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Giảng viên cần cập nhật kiến thức thường xuyên để truyền đạt với học viên nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới ”, đồng chí Lê Quốc Phong nói.