Những quan điểm mới về công tác dân số

Thứ ba, 16/10/2018 15:34
(ĐCSVN) – Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; duy trì mức sinh thay thế… là những quan điểm mới được nhấn mạnh trong Nghị quyết 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Lần đầu tiên trong suốt 25 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy rất khó giải quyết. Vì vậy, trong Nghị quyết 21-NQ/TW, điểm mới đáng chú ý đầu về công tác dân số trong tình hình mới chính là việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế, xã hội.

Cán bộ Trạm y tế xã Nậm Sài, huyện Sa Pa (Lào Cai) tuyên truyền công tác dân số,
kế hoạch hóa gia đình cho người dân địa phương. Ảnh: Quang Minh

Nghị quyết cũng đặt ra vấn đề duy trì mức sinh thay thế đã có những thành tựu suốt 10 năm qua, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Theo đó, cùng với việc vận động giảm sinh ở những vùng có mức sinh cao, nhà nước cũng vận động sinh đủ hai con với những địa phương có mức sinh thấp.

Thời gian qua, Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1993 đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Quy mô dân số năm 2016 gần 93 triệu người, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Tuy nhiên, vấn đề dân số Việt Nam còn nhiều hạn chế như mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Chỉ số phát triển con người còn thấp. Suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp. Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn nhiều ở một số dân tộc ít người. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số. Nguồn lực đầu tư cho dân số, kế hoạch hóa gia đình còn thấp so với yêu cầu.

Để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 21 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người.

Nghị quyết 21 đặt mục tiêu tỉ số giới tính khi sinh là dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Nguồn:tapchicongsan.org.vn

Về tỷ số giới tính khi sinh, Nghị quyết đặt ra là dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 11%; tỷ số phụ thuộc chung đạt 49%.

Tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Mục tiêu đặt ra, tới năm 2030, chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.                            

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 21 cũng đưa ra những điểm mới về biện pháp thực hiện, cụ thể là đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội…

Đồng thời, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe tầm vóc, thể lực người Việt Nam. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân…

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và thực hiện các biện pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế…/.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực